Cựu Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik, hiện đại diện cho Ukraine ở Brazil, cho biết, những người ủng hộ nước ngoài của Kiev nên liên hệ với Nga ở hậu trường để tìm hiểu các điều kiện hòa bình với Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Tagesspiegel của Đức hôm 22/2/2024, Đại sứ Melnik đã được yêu cầu bình luận về một cuộc thăm dò tiết lộ rằng, do cuộc phản công của Ukraine thất bại vào năm ngoái và những thắng lợi của lực lượng Nga trong những tháng gần đây, 64% người Đức hiện tin rằng, Kiev đã thua trong cuộc xung đột với Moscow.
Nhà ngoại giao này gọi kết quả khảo sát là “cay đắng”, và thừa nhận “các đối tác của chúng tôi có quyền nói: “Được rồi, chúng tôi đã cố gắng, chúng tôi đã giúp đỡ, nhưng giờ nó không còn hiệu quả nữa”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, Ukraine đã thất bại, đó sẽ “là mối đe dọa đối với an ninh của Đức”.
Theo ông Melnik, Berlin hiện phải tập trung vào những gì khác có thể làm để giúp Kiev, bao gồm cung cấp “tên lửa Taurus, máy bay chiến đấu, thêm hệ thống phòng không và đạn dược”.
Đại sứ gợi ý rằng, khi xem xét tình hình hiện tại, “ít nhất sẽ là điều khôn ngoan nếu các đồng minh của chúng tôi có thể kín đáo liên lạc với Moscow để tìm hiểu xem liệu có thực sự sẵn sàng thỏa hiệp hay không. Chẳng hạn, với những điều kiện và đảm bảo nào, người Nga sẽ sẵn sàng rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.
“Tiến hành các cuộc đàm phán mang tính thăm dò không có nghĩa là từ bỏ lợi ích của một người”, ông Melnik nói, đồng thời nhấn mạnh: “Tuy nhiên, các đối tác của chúng tôi, kể cả ở Nam bán cầu, nên sử dụng ngoại giao của mình để chấm dứt chiến tranh trong năm nay”.
Ông Melnik bị cách chức Đại sứ Ukraine tại Đức vào mùa hè năm 2022 sau hàng loạt phát ngôn cực đoan.
Đáng chú ý, ông gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz là “đâm nhát dao sau lưng Ukraine”, và yêu cầu tỷ phú Mỹ Elon Musk “biến đi” trên mạng xã hội.
“Đôi khi, tôi có thể làm công việc của mình ít nhiệt tình hơn để không làm mất lòng một số người”, ông Melnik thừa nhận.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này giải thích rằng, giọng điệu gay gắt của ông được biện minh là do cần phải gây áp lực lên chính phủ ở Berlin để cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine trong những tháng đầu tiên xảy ra xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với tờ Globo của Brazil hôm 21/2 rằng, Moscow vẫn để ngỏ khả năng giải quyết ngoại giao ở Ukraine, nhưng “cả Kiev và phương Tây đều không thể hiện ý chí chính trị để giải quyết xung đột”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh, trong hoàn cảnh này, Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình trên chiến trường.