Ngày 19/7, trong một bài báo cho Viện Schiller Quốc tế, ông Antonov nói rằng Nga ủng hộ việc hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa cực công bằng và bền vững hơn, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và trên hết là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.
Cách tiếp cận như vậy đang ngày càng nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng quốc tế, trong đó nỗ lực xóa bỏ dấu tích của hệ thống thuộc địa. Trong khi đó, tập thể phương Tây vẫn đang tích cực chống lại những nỗ lực đó, theo ông Antonov.
Ông Antonov nhận xét, tình hình ở Ukraine cho thấy “những nỗ lực không ngừng nghỉ” của phương Tây nhằm làm suy yếu tình hình trong không gian hậu Xô Viết.
Trong khi đó, các đối tác Nga từ các quốc gia Nam bán cầu hiểu mục đích và mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt, bày tỏ sự không đồng tình với cách giải thích của phương Tây, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Theo ông Antonov, hầu hết thế giới đều hiểu các hoạt động thuộc địa mới sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp. Ông nhấn mạnh Mỹ đã thực hiện hơn 50 nỗ lực thực hiện đảo chính và can thiệp quân sự kể từ năm 1945.
Trong số các cơ chế mà phương Tây sử dụng để thúc đẩy chính mình là “chủ nghĩa thực dân mới nợ nần”.
Với sự giúp đỡ của các khái niệm "chủ nghĩa đế quốc xanh" và khoảng cách công nghệ ngày càng mở rộng, các tập đoàn CNTT ở các nước phương Tây đang trở thành những nhà độc quyền trong lĩnh vực của họ, đồng thời kiểm soát không gian truyền thông và áp đặt những điều cấm kỵ đối với các ấn phẩm không trùng với tuyên truyền của phương Tây.
Ông Antonov lưu ý rằng một ví dụ điển hình cho điều này là việc phân phối vaccine không đồng đều trong đại dịch Covid-19: vaccine của Nga, lẽ ra có thể cứu sống hàng triệu người, lại bị các nước phương Tây cố tình trì hoãn ở giai đoạn chứng nhận.
Một ví dụ khác là việc áp đặt mạnh mẽ các quan điểm tân tự do, chẳng hạn như đa dạng giới tính và hợp pháp hóa ma túy – ông nói thêm.
Đại sứ nhấn mạnh: “Những sự thật này chỉ ra rõ ràng ai vẫn là kẻ thực dân thực sự. Đã đến lúc phe phương Tây, đại diện cho thiểu số, hiểu được sự vô ích của việc áp đặt các thực tiễn thuộc địa mới và bất kỳ nỗ lực nào nhằm đổ lỗi cho người khác”.
Ngày 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng các quốc gia phương Tây đang hành động theo truyền thống tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân cổ điển.
Họ đang cố gắng duy trì sự thống trị của mình trên thế giới bằng cách sử dụng biện pháp cưỡng bức, áp dụng thương mại có chọn lọc, trừng phạt đơn phương và tống tiền, theo ông Putin.
Ngày 14 tháng 6, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev viết trong một bài báo rằng các nước phương Tây có ý định chuyển sang chủ nghĩa thực dân mới toàn cầu, tức là một hệ thống quan hệ kinh tế và chính trị bất bình đẳng áp đặt lên phần còn lại của thế giới.
Về vấn đề này, ông Medvedev đề xuất thành lập cơ sở dữ liệu về tội ác của chủ nghĩa thực dân tại LHQ.
Hôm 2/4, ông Putin nói rằng các nước phương Tây đổ lỗi cho Nga về việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân và bị nước này "xúc phạm" vì đã giúp đỡ người dân châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Tổng thống Liên bang Nga lưu ý rằng trên thực tế, việc giành được độc lập của các quốc gia ở các lục địa trên là một quá trình hoàn toàn không thể tránh khỏi và hiện nay các lực lượng mới ở các khu vực này đang phát triển với tốc độ chưa từng có.