Ngày 18/7, trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hetq của Armenia, bà Uzra Zeya cho biết:
“Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh dân sự giữa Mỹ và Armenia. Đây là một phần trong quá trình chuyển đổi lịch sử quan hệ giữa Mỹ-Armenia sang quan hệ đối tác chiến lược”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ được hỏi liệu chính quyền nước này có tin rằng tư cách thành viên của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là trở ngại cho việc tăng cường hợp tác sâu rộng với Mỹ hay không.
Bà Zeya trả lời rằng Washington tôn trọng sự lựa chọn của Yerevan. Tuy nhiên, theo bà, Mỹ được cho là không thấy bằng chứng nào chứng tỏ sự hiện diện quân sự của Nga góp phần mang lại hòa bình và ổn định hơn ở Nam Caucasus.
Bà Zeya thăm Armenia từ 13 đến 16/7.
Ngày 11/6, Armenia và Mỹ ký thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Các bên bày tỏ cam kết tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực và nâng cao vị thế lên mức đối tác chiến lược.
Ngày 4/7, trong thông điệp gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân dịp Ngày Độc lập Mỹ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tái khẳng định cam kết của Yerevan trong việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác với Washington.
Trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, nhà khoa học chính trị Arman Abovyan lưu ý Washington đưa ra "quan hệ đối tác chiến lược" với Armenia như một giải pháp thay thế cho CSTO.
Yerevan sẵn sàng đồng ý với giải pháp này và dần dần rút khỏi CSTO. Ông Abovyan nói thêm rằng ảnh hưởng của phương Tây đối với đất nước quá rõ ràng đến mức chính quyền Armenia không mạo hiểm chứng minh điều ngược lại.
Cuối tháng 2, ông Pashinyan tuyên bố đóng băng quan hệ của Armenia với CSTO. Đồng thời, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Yerevan không có bất kỳ hành động chính thức nào về vấn đề này.