Phương pháp dạy Toán của giáo viên Nhật Bản

Ngay từ ngày đầu tiên, giáo viên phải nhấn mạnh điều họ muốn ở học sinh không phải là trả lời đúng mà là thể hiện suy nghĩ của mình.

Phương pháp dạy Toán của giáo viên Nhật Bản

Yukiko Asami-Johansson, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Gavle (Thụy Điển) chia sẻ trên website trường về cách người Nhật cải thiện khả năng của học sinh ở môn Toán.

Tôn trọng cách nghĩ của học sinh

Người Nhật quan niệm kết quả học tập sẽ thay đổi tích cực nhờ kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên lựa chọn các bài toán phù hợp với nội dung bài học và đoán cách học sinh sẽ giải chúng.

Khi bài toán được đưa ra, thầy cô không giải mẫu từ đầu mà để học sinh tự mày mò. Từng em tìm cách giải theo ý mình, sau đó làm việc theo nhóm. 

Học sinh sẽ nhận ra việc dự đoán dẫn lối suy nghĩ đi theo hướng hợp lý. Bên cạnh đó, khi đoán câu trả lời, các em sẽ tò mò muốn biết mình làm đúng hay sai. 

Điều quan trọng là mỗi giáo viên ở xứ sở mặt trời mọc lên kế hoạch cụ thể cho các bài học và chuẩn bị bài toán thích hợp ngay từ ngày đầu tiên của năm học. Với một bài toán, họ đánh giá, cung cấp một số phương pháp giải khả thi, lôi kéo được sự tham gia của cả lớp và có thể nêu một số ví dụ về lỗi dễ mắc phải.

Giáo viên phải liên tục nhấn mạnh: “Điều tôi muốn các em làm khi giải toán là thể hiện cách nghĩ của mình”. 

phuong-phap-day-toan-cua-giao-vien-nhat-ban

Học sinh Nhật Bản được khuyến khích trình bày nhiều cách giải Toán. Ảnh:iStock

Nếu quan sát một giáo viên Nhật Bản trong một tiết học, bạn sẽ thấy họ “diễn” rất nhiều. Mục đích của họ là giả vờ không có uy quyền, trao cho học sinh cơ hội bày tỏ. “Ồ, đó là cách em nghĩ à?”, “Điều này có đúng không?, “Nhưng xem kìa, cách này có vẻ hiệu quả đấy chứ…” là những câu họ thường nói.

Thay vì phô bày kiến thức bản thân, giáo viên nhún nhường để cho học sinh cùng thảo luận.

Theo Yukiko, ở nhiều quốc gia khác, giáo viên (chủ yếu ở các lớp cấp thấp) không thực sự muốn dạy Toán nhưng bị buộc làm công việc này. Khi không có động lực để khảo sát các cách giải của học sinh, họ thường áp đặt lối dạy để đạt được mục tiêu nhất định.

Chẳng hạn, nếu học sinh Kalle nghĩ ra cách giải nào đó rất khéo léo nhưng giáo viên không hiểu, có thể họ sẽ buộc Kalle loại bỏ cách giải đó: “Không Kalle, cô nghĩ em nên dùng cách giải của cô”. Và rồi giáo viên đó giết chết niềm vui giải toán của học sinh.

Các giáo viên "bắt tay" truyền đam mê giải toán

Ở Nhật, các giáo viên phải thực hiện một “bài học mở”. Họ cùng lên kế hoạch bài giảng, sau đó một giáo viên sử dụng để dạy lớp của mình trong khi những người còn lại theo dõi. Thậm chí giáo viên trường khác cũng có thể đến dự giờ.

Những mặt hiệu quả và chưa hiệu quả của bài giảng đó được đem ra “mổ xẻ”. Nhóm giáo viên cùng chỉnh sửa, hoàn thiện bài giảng để tiếp tục sử dụng ở lớp khác. “Đó là một quá trình tuần hoàn. Mỗi giáo viên sẽ ngày càng giỏi chuyên môn khi hoạt động theo mạng lưới”, Yukiko viết.

Bản thân Yukiko Asami-Johansson từng là giáo viên Toán trung học phổ thông và hiện giảng dạy các nhà sư phạm tương lai ở Đại học Gävle. “Tôi sử dụng phương pháp này và nhìn thấy tiềm năng. Tôi muốn sinh viên nắm được nó để hợp tác với giáo viên khác. Đây không phải phương pháp chỉ hiệu quả ở Nhật Bản, hoặc trong lớp học nhất định mà có tính phổ quát cho toàn thế giới”, bà nói.

phuong-phap-day-toan-cua-giao-vien-nhat-ban-1

Yukiko Asami-Johansson tin phương pháp dạy Toán của người Nhật nên được nhân rộng. Ảnh:Sveriges Radio

Khi thực hiện nghiên cứu về phương pháp này, bà hợp tác với một giáo viên để cùng lên kế hoạch tất cả bài tập giao cho học sinh. “Cô giáo đó tìm hiểu cách giải toán thông qua khả năng suy nghĩ của học sinh. Nếu một học sinh đến gặp tôi với cách giải như thế này, tôi nên phản ứng như thế nào? Với cách nghĩ đó, cô lên kế hoạch chi tiết cho mỗi bài học”, Yukiko cho biết.

Khi phỏng vấn học sinh sau đó, Yukiko nhìn thấy sự hào hứng. “Bây giờ toán là môn học yêu thích của em. Em nhận ra tìm kiếm đáp án không phải điều quan trọng nhất mà là cách nghĩ”, một em trả lời.

Để thành công với phương pháp dạy học này, theo bà Yukiko, học sinh phải cảm thấy tự tin về việc thể hiện mình. Nếu không tự tin, khi bị ai đó cười nhạo hoặc phản ứng tiêu cực, học sinh rất dễ bỏ cuộc.

Trong cuốn sách bán hơn một triệu bản được viết năm 1945 của nhà toán học Hungary George Pólya, ông viết: “Học tập trước tiên là để học sinh tự suy nghĩ, tự đánh giá”.

"Nhiều nước đã thông qua những ý tưởng này, Nhật Bản là một trong số đó", Yukiko kết luận.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.