Phương án 3 chưa nhận được nhiều sự đồng thuận

GD&TĐ - Lãnh đạo một số trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên bày tỏ quan điểm trước dự thảo kỳ thi THPT quốc gia với những phân tích riêng xuất phát từ thực tiễn cơ sở.

Phương án 3 chưa nhận được nhiều sự đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Yếu tố cạnh tranh giúp kỳ thi nghiêm túc, khách quan hơn

Tôi cho rằng, nên chọn phương án 1 vì những lý do sau đây:

Phù hợp với học sinh cả nước trong giai đoạn hiện nay (dự báo học sinh trường THPT Tháp Mười nói riêng, học sinh tỉnh Đồng Tháp nói chung sẽ ủng hộ cao phương án này);

Vừa đảm bảo thực hiện lộ trình đổi mới vừa kế thừa được kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi của giai đoạn trước;

Không tạo ra xáo trộn lớn trong việc dạy và học; việc bố trí mỗi buổi thi 1 môn sẽ tạo điều kiện tốt cho học sinh chọn lựa, nhất là những em đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng;

Chính yếu tố cạnh tranh của kỳ thi và việc dùng điểm thi cho 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ giúp cho kỳ thi nghiêm túc, khách quan hơn, hạn chế tiêu cực;

Dù nhiều buổi thi nhưng sẽ tiết kiệm tiền bạc và công sức vì trừ 3 buổi thi bắt buộc, các buổi còn lại học sinh và gia đình sẽ chủ động hoàn toàn. 

Bởi thế lịch thi nên bố trí 3 môn bắt buộc thi trước và nên xếp xen kẽ môn Khoa học tự nhiên và Khoa hoc xã hội để hạn chế việc học sinh phải thi liên tục nhiều môn.

Đối với 2 phương án còn lại, chỉ thực hiện có hiệu quả sau khi đã điều chỉnh chương trình, điều chỉnh cách dạy và học phù hợp, tập huấn bồi dưỡng giáo viên chu đáo, tuyên truyền hướng dẫn học sinh và nhân dân cách thức và lộ trình thực hiện một cách cụ thể.

Về việc tổ chức thi theo cụm, nên tổ chức nhiều hội đồng thi, mỗi huyện, thị nên có ít nhất một hội đồng thi:

Phương án này sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh và gia đình; không gây áp lực căng thẳng cho học sinh, nhất là học sinh nghèo, học sinh tại các địa bàn khó khăn;

Hạn chế áp lực quá tải về trật tự giao thông, dịch vụ ăn uống, chỗ trọ tại các trung tâm lớn trong những ngày thi;

Việc chấm thi theo vùng miền, chỉ thực hiện có hiệu quả khi người chấm không biết mình đang chấm bài của ai, học sinh trường nào, tỉnh nào…, kể cả đang chấm bài thi của học sinh mình hay con mình. Như vậy quá trình làm mã phách phải tính đến các yếu tố trên.

Ông Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), Giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Thi theo môn tránh sốc tâm lý

Trong 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT đưa ra, phương án một thi theo môn có nhiều ưu điểm.

Thứ nhất, trong lúc điều kiện dạy và học còn khó khăn, chương trình và sách giáo khoa chưa thay đổi thì việc tổng hợp hay tích hợp bài thi là chưa phù hợp ở thời điểm này. Tiếp tục thi theo môn sẽ tránh được cú sốc tâm lý trước khả năng phải làm một bài thi tổng hợp hay tích hợp nhiều môn.

Vấn đề với giáo viên và học sinh không phải ở hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận, thời gian thi ngắn hay dài của mỗi bài thi hay số buổi thi, mà ở chỗ phải học bao nhiêu môn để tham gia kỳ thi đó.

Thứ hai, các trường đại học được chọn môn xét tuyển thích hợp với ngành đào tạo của mình.

Thứ ba, với quyền được chọn môn thi sẽ vừa đảm bảo sở trường của mỗi học sinh, tính chất cá thể hóa người học, vừa nhất quán với tính chất dạy học phân hóa. Chúng ta không thể đa dạng sản phẩm trên cùng một dây truyền, cũng không thể có cá nhân độc đáo với quy trình đào tạo đồng loạt.

Thứ tư, để thích ứng được với cuộc sống hiện đại, con người vừa phải có kiến thức nền tảng tốt, vừa phải có kiến thức chuyên sâu để làm việc tốt ở một lĩnh vực nào đó.

Ngoài ra, lại cần phải rút ngắn thời gian học để đi làm sớm hơn, nghỉ hưu muộn hơn. Để giải quyết bài toán này, xu hướng chung là phải tích hợp các môn học ở bậc THCS và phân hóa mạnh ở THPT.

Làm tốt việc tích hợp các môn ở cấp THCS giải quyết được việc trang bị kiến thức nền tảng tốt, nhất là trong thời kỳ kiến thức mới đang tăng theo cấp số nhân như hiện nay. 

Nhờ việc học phân hóa mạnh ở bậc THPT, ví dụ nếu chọn ban Toán thì hai năm cuối cấp, lớp 11 và 12, học sinh được học hầu hết các kiến thức đại cương về Toán, lên đại học thời gian học lấy bằng cử nhân sẽ rút xuống.

Ở các nước Âu Mỹ, việc được cấp bằng cử nhân đa số được rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm thậm chí ít hơn, và học đại học sau 4 năm có thể lấy bằng thạc sỹ. Học sinh không thể học kiểu phân hóa mà thi tích hợp được.

Nếu chọn phương án 1, có thể nghiên cứu thêm việc môn Ngoại ngữ tự chọn như trong kỳ thi tốt nghiệp để tránh xáo trộn nhiều, tiếp tục đổi mới đề thi như trong kỳ thi đại học vừa qua và một số vấn đề khác thì có thể tiến hành kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc TTGDTX B Ý Yên (Nam Định): Phù hợp và gọn nhẹ hơn với phương án thi theo bài

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, điều này cho thấy sự quyết tâm của ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;

Trong đó lấy kỳ thi quốc gia theo các phương án được đưa ra để thăm dò dư luận và lựa chọn 1 phương án phù hợp là khâu “đột phá” để cải cách giáo dục.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc TTGDTX B Ý Yên (Nam Định)

Tôi cho rằng, để hướng tới tới kỳ thi THPT quốc gia thì khâu tổ chức kỳ thi trong đó các yếu tố: Đề thi, coi thi và chấm thi sao cho kết quả của kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học của mỗi nhà trường và sự nỗ lực học tập, rèn luyện của mỗi học sinh. 

Tức là phản ánh được khách quan, công bằng trên bình diện quốc gia thì sẽ có tác dụng kích thích nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục.

Về đề thi: Chúng tôi rất trân trọng hướng ra đề bài theo hướng mở như đã áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2014 vừa qua.

Đề thi đã ra theo hướng mở đánh giá năng lực người học, tăng dần câu hỏi ở mức độ vận dụng. Cách ra đề thi như vậy sẽ có tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới cách dạy và học theo hướng giờ dạy học là giờ tổ chức hoạt động nhận thức để thầy là người tổ chức hướng dẫn, còn học trò là người chủ động, sáng tạo, tích cực hoá trong hoạt động nhận thức.

Đó cũng là quá trình chuyển mạnh việc dạy học từ chủ yếu là truyền thụ, phổ biến kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.

Chúng tôi cũng rất trân trọng lộ trình mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Đó là việc ra đề thi, xây dựng ngân hàng dữ liệu đề thi, vấn đề kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục trong tương lai không xa sẽ do một tổ chức độc lập không trực thuộc Bộ GD&ĐT đảm nhiệm.

Đến khi đó, chất lượng ở mối cơ sở giáo dục sẽ làm nên “thương hiệu” của chính mình. Dù lộ trình sớm hay muộn được tiến hành như thế nào, nhưng kỳ thi Quốc gia THPT theo chúng tôi hiểu phải có tính phân hóa cao để học sinh có lực học trung bình đều có thể đạt điểm yêu cầu để đỗ tốt nghiệp và chọc sinh khá giỏi hầu hết có thể trúng tuyển đại học, cao đẳng hoặc được học một nghề mà các em yêu thích và lựa chọn,

Về việc tổ chức coi thi: Tôi nhất trí hướng tổ chức coi thi mỗi tỉnh, thành phố có thể tổ chức một vài cụm thi, lãnh đạo cụm thi, điểm thi phải là lãnh đạo Sở GD&ĐT hoặc trường ĐH; giám thị bố trí sao cho có khoảng một nửa là giảng viên các trường đại học, cao đẳng, một nửa là giáo viên các trường THPT nếu được điều động từ tỉnh ngoài hoặc giáo viên ngoài cụm thi của thí sinh không trực tiếp giảng dạy khu vực thí sinh dự thi được thì càng tốt.

Việc chấm thi: Nên tổ chức theo cụm gồm các tỉnh có tính chất tương đồng, gồm các vùng thi đua như hiện nay. Giám khảo được điều động gồm giảng viên đến từ các trường cao đẳng, đại học và giáo viên THPT đảm bảo chấm thực sự 2 vòng độc lập.

Về phương án tổ chức kỳ thi: với 3 phương án dự kiến mà Bộ GD&ĐT đưa ra, từ thực tiễn cơ sở giáo dục, chúng tôi đồng thuận nhiều hơn ở phướng án 2: Thi theo bài.

Với 2,5 ngày thi, Kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1;

Hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây. Từng trường và từng ngành nghề đào tạo, căn cứ vào yêu cầu có thể nhân hệ số ở một số môn thi, hoặc từng phần của bài thi theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mình. Thực chất thí sinh có 3 bài thi theo môn và chỉ có 1 bài thi liên môn do thí sinh tự chọn.

Nếu tổ chức thi theo phương án 1, ngoài 3 môn thi bắt buộc thí sinh phải cho 1 môn nữa thi để hàm đủ điều kiện đẻ xét tốt nghiệp, nhưng nếu để tham gia xét tuyển sinh, thí sinh phải thi thêm một số môn khác nữa.

Ví dụ đơn cử nếu thí sinh xét tuyển khối A như hiện nay nếu chọn môn thi thứ tư là Vật lý để xét tốt nghiệp thì thí sinh phải thi thêm môn Hóa học để xét tuyển khối A.

Tương tự như vậy, nếu thi khối B và C thì thí sinh cũng phải dự thi 5 bài thi theo môn. Như vậy thực chất kỳ thi tưởng như đơn giản thi theo môn nhưng vẫn cồng kềnh và phải diễn ra trong 4 ngày để tổ chức cho 8 buổi thi với 8 môn thi. Nếu tổ chức thi theo phương án 3, theo tôi chưa phù hợp trong tình hình thực tế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.