Đưa Hoàng Sa vào trường học

GD&TĐ - Không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa, ngành GD-ĐT Đà Nẵng từ năm học 2014 – 2015 đã biên soạn hai tập tài liệu về Lịch sử Đà Nẵng, trong đó, lần đầu tiên, những vấn đề về Hoàng Sa, từ lịch sử của quần đảo cũng như những vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông được đưa vào giảng dạy chính thức trong trường học. 

Đưa Hoàng Sa vào trường học

Cần một hành lang pháp lý

Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng: “HS hai cấp trung học và SV ĐH được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Chình vì vậy, cần phải xác định các mục tiêu trong quá trình giáo dục, tuyên truyền về Hoàng Sa. Đó là “làm cho HS/SV Đà Nẵng hiểu rõ người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa từ bao giờ, với những bằng chứng vừa có giá trị pháp lý vừa có giá trị lịch sử đầy thuyết phục và không thể phủ nhận như thế nào”.

Điều này là cần thiết bởi theo nhận xét của TS Nguyễn Duy Phương và ThS Đặng Thị Thùy Dương (Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), một thực trạng đáng buồn là hầu hết HS THPT Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đều hạn chế kiến thức liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Phần lớn “đuối lý” nếu như có một người nước ngoài đặt câu hỏi: “Những cơ sở nào để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đây là vấn đề thực tế, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc và cẩn thận.

Từ năm học 2011 - 2012, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã đưa chương trình dạy học về Hoàng Sa vào trong tiết học về địa lý, lịch sử địa phương cho HS THCS và THPT. Nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến việc giáo dục chủ quyền biển đảo cũng được tiến hành như tổ chức cho HSSV đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Hoàng Sa tại trụ sở UBND huyện Hoàng Sa và bảo tàng; tổ chức các buổi học lịch sử ngoại khóa, nghe các nhân chứng nói chuyện về Hoàng Sa...

Theo như phân tích của TS Nguyễn Duy Phương và ThS Đặng Thị Thùy Dương, trong quá trình dạy học, hầu hết giáo viên chỉ mới dừng lại ở việc trình bày những nội dung vắn tắt trong SGK mà chưa tạo được sự kết nối, liên hệ giữa một số nội dung kiến thức lịch sử cơ bản của bài học với quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, phần lớn những nội dung kiến thức về biển đảo quê hương chủ yếu được HS tiếp cận ở những tiết học lịch sử địa phương.

Nhưng với thời lượng có hạn, cùng với tâm lý xem nhẹ lịch sử địa phương nên việc tiến hành giảng dạy nội dung này tại một số trường THPT Đà Nẵng vẫn chưa được đầu tư đúng mức và còn khá khiên cưỡng, áp đặt vừa không trang bị đầy đủ cho HS những nền tảng kiến thức về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, lại không tạo ra được những xúc cảm, rung động để khơi gợi tinh thần trách nhiệm của HS đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta hiện nay.

Chính thống và không bị đứt đoạn

Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành ngày 19/1/2018 chuẩn bị cho quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chuyên đề về “Biển Đông: Lịch sử và hiện tại” đã được Bộ GD&ĐT xây dựng và đưa vào nội dung SGK Lịch sử mới, nhằm giúp HS hiểu rõ về tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam; Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, với kết cấu nội dung, chủ đề lịch sử này cơ bản đã giúp HS hình dung được những nét chính trong quá trình khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Duy Phương cho rằng, để nâng cao hơn hiệu quả giáo dục về ý thức chủ quyền biển đảo cho học sinh, trong quá trình triển khai xây dựng nội dung của chuyên đề, cần chú trọng hơn việc làm rõ về những dấu ấn của văn hóa biển đảo trong cấu trúc văn hóa và tiềm thức của người dân Việt Nam; cập nhật các thành tựu nghiên cứu mới nhất về vấn đề chủ quyền biển đảo như các bản đồ lịch sử do người Việt và người nước ngoài xưa kia vẽ về các đảo, quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông, điển hình là bản đồ của Công ty Đông Ấn (Pháp), bản đồ An Nam từ thế kỉ XV trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630 - 1653) do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn, An Nam đại quốc họa đồ… vào trong nội dung của chuyên đề.

Cần thấy đây là một cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn và khẩn trương, đòi hỏi thế hệ trước phải nỗ lực hết mình để có thể trao “tín gậy” cho thế hệ kế tiếp ở cự ly gần nhất so với mục tiêu. Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không phải chỉ biết cho có mà còn phải biết để hành động, chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa… - Ông Bùi Văn Tiếng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.