'Phù thủy' Philippe Troussier có còn 'phép' với bóng đá Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã nhận được hàng chục hồ sơ ứng tuyển vị trí huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam thay thế ông Park Hang Seo.

Huấn luyện viên Philippe Troussier (trái) và đồng nghiệp Park Hang Seo.
Huấn luyện viên Philippe Troussier (trái) và đồng nghiệp Park Hang Seo.

Và nhiều nguồn tin khẳng định ông thầy danh tiếng người Pháp Philippe Troussier, người có danh xưng “phù thủy trắng” đã được chọn.

Khát vọng World Cup

Liên đoàn Bóng đá thế giới đã chính thức thông qua quyết định mở rộng số lượng đội tham dự World Cup 2026 từ 32 lên 48. Điều này cũng đồng nghĩa với việc suất tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh này của các châu lục cũng tăng lên. Trong đó, số lượng đội bóng châu Á tăng lên 8,5 suất, trong đó có 8 suất chính và 1 suất đấu play-off liên lục địa. Số lượng đội bóng dự World Cup tăng lên cũng đồng nghĩa với việc cơ hội sẽ mở ra cho các đội bóng nhỏ ở các châu lục.

Sau 28 năm kể từ khi bóng đá Việt Nam sử dụng huấn luyện viên ngoại, kể từ ông Edson Tavares, người Brazil năm 1995 đến thời điểm này, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên từng cầm quân ở World Cup.

Ông Park Hang Seo có tên trong ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002, nhưng khi đó, chiến lược gia người Hàn chỉ là trợ lý huấn luyện viên Guus Hiddink.

Trong khi đó, ở chính “vùng trũng” Đông Nam Á, nhiều liên đoàn bóng đá quốc gia không tiếc tiền thuê huấn luyện viên tầm World Cup.

Indonesia đã trải thảm ký hợp đồng với Shin Tae-yong, huấn luyện viên gây “địa chấn” ở World Cup 2018 khi cùng đội tuyển Hàn Quốc đánh bại Đức 2-0 ở lượt trận cuối vòng bảng. Bóng đá Thái Lan thuê huấn luyện viên Milovan Rajevac giai đoạn 2017 - 2019. Chiến lược gia người Serbia sở hữu bảng thành tích rất ấn tượng. Nổi bật trong đó là sự kiện ông Milovan Rajevac đưa đội tuyển Ghana vào đến tứ kết World Cup 2010.

So với tất cả huấn luyện viên ngoại trong quá khứ của bóng đá Việt Nam, Philippe Troussier ở đẳng cấp rất khác. Chiến lược gia người Pháp từng dẫn dắt nhiều đội tuyển quốc gia. Cùng với đội tuyển Nam Phi, Philippe Troussier đã tranh tài ở VCK World Cup 1998. Sau đó, ông tiếp tục tham dự VCK World Cup 2002 cùng đội tuyển Nhật Bản. Đây cũng là giải đấu lịch sử của “Samurai xanh” khi họ lần đầu tiên vượt qua vòng bảng sân chơi lớn nhất thế giới.

Trước đó, dưới bàn tay “ma thuật” của nhà cầm quân người Pháp, U20 Nhật Bản giành ngôi Á quân U20 World Cup 1999, đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và Á quân cúp Liên đoàn châu lục.

Không chỉ sở hữu thành tích dự World Cup, Philippe Troussier được đánh giá cao bởi những trận chiến ở vòng loại. Năm 1997, ông được bổ nhiệm cấp tốc vào vị trí huấn luyện viên đội tuyển Nigeria, thay đồng nghiệp Shaibu Amodu. Trong 4 trận cuối của vòng loại cuối World Cup 1998, ông đã giúp Những chú đại bàng xanh giành thêm 9 điểm và chính thức góp mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh trên đất Pháp.

Thế nhưng thật trớ trêu, LĐBĐ Nigeria đột nhiên sa thải Philippe Troussier để lấy chỗ cho… Bora Milutinovic, người có kinh nghiệm hơn với 3 lần tham dự World Cup trước đó (với Mexico, Costa Rica và Mỹ).

Vào năm 1993, Philippe Troussier cùng đội tuyển Bờ Biển Ngà tiến sát tấm vé lịch sử dự Vòng chung kết World Cup 1994. 3 trận đầu tiên, thầy trò huấn luyện viên Troussier có được 7 điểm. Chỉ cần hòa trận cuối cùng (gặp Nigeria ở Lagos) bảo đảm cho Bờ Biển Ngà đến Mỹ. Tuy nhiên, chán nản trước tình trạng tham nhũng, có liên quan trực tiếp đến bóng đá, Philippe Troussier dứt áo ra đi, và Những chú voi chiến như “rắn mất đầu” đã nhận thất bại tan nát 1-4 ở trận cuối và bỏ lỡ cơ hội tham dự World Cup.

Huấn luyện viên Philippe Troussier thời điểm huấn luyện đội tuyển U19 Việt Nam.

Huấn luyện viên Philippe Troussier thời điểm huấn luyện đội tuyển U19 Việt Nam.

Bên cạnh thành tích World Cup, Philippe Troussier được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chọn bởi ông rất am hiểu bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia người Pháp từng đảm nhận Giám đốc kĩ thuật của Trung tâm Đào tạo bóng đá PVF từ tháng 3/2018.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, ông dẫn dắt đội U19 Việt Nam giành vé dự VCK U19 châu Á 2020. Tiếc rằng giải đấu này đã bị hủy bỏ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong chiến lược phát triển muốn người thay ông Park Hang Seo nắm cả đội U23 và đội tuyển quốc gia nên huấn luyện viên Philippe Troussier được xem là lựa chọn hợp lý.

Quyết định không gia hạn hợp đồng với ông Park Hang Seo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xuất phát từ 2 lý do, tính chu kỳ và khát vọng World Cup.

Dưới thời chiến lược gia người Hàn, đội tuyển Việt Nam đã đạt đỉnh vào năm 2018 và 2019. Đó là chức vô địch AFF Cup 2018, chiến tích vào tứ kết Asian Cup 2019 và những trận đấu rất thành công ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, cùng 2 tấm Huy chương Vàng SEA Games liên tiếp của U22 Việt Nam. Tuy nhiên, ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Việt Nam là đội có thành tích tệ nhất (thắng 1, hòa 1, thua 8), khi đụng độ những đối thủ mạnh tầm châu lục.

Thất bại của đội tuyển Việt Nam ở 2 kì AFF Cup liên tiếp được xem như sự thoái trào của một chu kì thành công. Mỗi huấn luyện viên đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Ở thời điểm này, họ có thể đúng. Nhưng ở thời điểm khác, họ có thể sai bởi đấu pháp ấy không còn phù hợp. Đơn giản vì thế giới bóng đá vẫn đang vận động liên tục.

Đội bóng mạnh là đội bóng có nền tảng nhân sự tốt, được xây dựng bài bản và thi đấu với phong cách đa dạng. 5 năm là khoảng thời gian khá dài để tạo ra một lối mòn. Giờ là thời điểm thích hợp để bóng đá Việt Nam thay đổi, để tạo ra cảm hứng mới, phong cách mới và thành công mới…

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 9 (2022 - 2027) đặt mục tiêu duy trì thành tích đã đạt được, tạo bước phát triển đột phá cho bóng đá Việt Nam hướng đến năm 2030 lọt vào top 10 châu Á. Đặc biệt, đội tuyển Việt Nam giành quyền vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự vòng chung kết FIFA World Cup 2026 và hướng tới tham dự vòng chung kết World Cup 2030.

Trong bóng đá, cảm hứng có ý nghĩa rất quan trọng. Sự xuất hiện của gương mặt World Cup Philippe Troussier được cho là cần thiết để mang đến động lực, cũng như luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam.

Nhận mức lương 1,5 triệu USD/năm nhưng huấn luyện viên Shin Tae-yong chưa đáp ứng được kỳ vọng của bóng đá Indonesia.

Nhận mức lương 1,5 triệu USD/năm nhưng huấn luyện viên Shin Tae-yong chưa đáp ứng được kỳ vọng của bóng đá Indonesia.

Tiền nhiều chưa chắc thành công

Ở châu Á, đội tuyển Việt Nam chỉ thuộc nhóm 2, song chúng ta đã gây sốc khi lọt vào đến vòng loại cuối tranh suất đến World Cup 2022. Việc ông Park và các học trò kết thúc vòng loại cuối ở vị trí cuối bảng là kết quả phản ánh đúng thực lực, bóng đá Việt Nam thua kém nhóm đầu châu lục quá nhiều thứ.

Kết quả trên sân cỏ của đội tuyển quốc gia chỉ là bề nổi phản ánh cho sự phát triển, trình độ của cả nền bóng đá. Tuy nhiên, qua vòng loại World Cup 2022 cũng như với việc châu Á có 8,5 suất, chúng ta có quyền hy vọng, tự tin về cơ hội góp mặt ở một kỳ World Cup nếu tiếp tục duy trì được sự tiến bộ như thời gian qua.

Bóng đá Việt Nam đang có được một thế hệ cầu thủ tài năng như Quang Hải, Văn Lâm, Hùng Dũng, Công Phượng, Hoàng Đức…; lứa trẻ cũng có những cái tên nổi bật như Thanh Bình, Việt Anh, Thanh Nhân, Văn Khang, Tấn Tài… Sự kết nối hiệu quả giữa các thế hệ cầu thủ sẽ giúp cho đội tuyển Việt Nam đủ sức cạnh tranh với những đội bóng hàng đầu châu lục, trong cuộc đua World Cup. Nhưng chúng ta cũng cần đánh giá đúng, khách quan về năng lực của mình. Cầu thủ Việt Nam cần rèn luyện, nỗ lực rất nhiều để nâng cao trình độ, tâm lý thi đấu và rất nhiều kỹ năng khác mới mong thành công.

Sau khi chia tay bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang Seo cho biết: “Ở World Cup 2022, Nhật Bản, Ả Rập Xê-út đã thắng được Đức, Argentina. Bóng đá châu Á đang phát triển. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đưa kế hoạch dự World Cup vào năm 2030. Vấn đề lúc này là chúng ta cần phải làm gì, bóng đá Việt Nam có hệ thống đủ tốt chưa? Từ nuôi dưỡng cầu thủ, huấn luyện… chúng ta xem những cầu thủ trẻ được đào tạo, đầu tư cho họ bằng cách nào và như thế nào. Nếu không có hệ thống tốt thì đưa ra tầm nhìn, mục tiêu cũng chỉ là mong ước, không bao giờ làm được”.

Liên đoàn Bóng đá Indonesia đã chấp nhận chi mức lương 1,5 triệu USD để đưa về huấn luyện viên đẳng cấp World Cup Shin Tae-yong. Tuy nhiên, đến lúc này, lãnh đạo bóng đá xứ Vạn đảo đang tính khả năng sa thải ông thầy người Hàn Quốc. Lý do được đưa ra là huấn luyện viên Shin Tae-yong phải chịu trách nhiệm cho kết quả đội tuyển Indonesia bị loại trước đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2022.

Sâu xa hơn, cho đến lúc này huấn luyện viên Shin Tae-yong vẫn chưa thể giải tỏa cơn khát thành tích cho bóng đá Indonesia ở 2 đấu trường chính trong khu vực, SEA Games và AFF Cup.

Mặc dù vậy, khó có thể đổ hết trách nhiệm cho Shin Tae-yong và sa thải ông ấy. Bóng đá Indonesia những năm gần đây sa sút rất nhiều. Đào tạo trẻ được “khoán trắng” cho các câu lạc bộ, địa phương và mạnh ai nấy làm. Điều đó khiến cho đội tuyển xứ Vạn đảo gần như không trình làng được cầu thủ trẻ nào tiềm năng, đồng thời ngày càng lệ thuộc vào cầu thủ nhập tịch. Vấn đề ở chỗ, yếu tố màu cờ sắc áo của các cầu thủ gốc ngoại cũng khá mờ nhạt và mang đến nhiều hệ lụy lâu dài, như hạn chế sự phát triển của cầu thủ trẻ.

Không chỉ Indonesia, bóng đá Thái Lan cũng thất bại với ông thầy “triệu đô” tầm World Cup. Tháng 4/2017, Thái Lan ký hợp đồng với huấn luyện viên Milovan Rajevac với kỳ vọng đội tuyển quốc gia giữ vững vị trí số một Đông Nam Á, và biến giấc mơ giành vé dự World Cup thành sự thực. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, bóng đá Thái Lan đã sa thải chiến lược gia người Serbia sau khi đội tuyển Thái Lan thua đậm Ấn Độ 1-4 ở trận ra quân Asian Cup 2019, trận thua sau 32 năm của bóng đá xứ chùa Vàng và thất bại trước đó ở bán kết AFF Cup 2018.

Những gì Indonesia trải qua, nhất là Thái Lan, quốc gia có nền bóng đá được đánh giá là chuyên nghiệp và hàng đầu khu vực sẽ mang đến cho bóng đá Việt Nam nhiều bài học quý. Sau chu kỳ 5 năm của ông Park cùng sự khẳng định sức mạnh ở khu vực, bóng đá Việt Nam sẽ mở ra chương mới với huấn luyện viên danh tiếng hơn sẽ hướng đến những cái đích cao hơn, xa hơn như ASIAD, Olympic hay World Cup. Đây là những sân chơi đỉnh cao, nó cũng khác xa một trời, một vực so với SEA Games hay AFF Cup.

Nếu được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Philippe Troussier sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thử thách. Đầu tiên, muốn bay cao hay bay xa đến đâu, chiến lược gia người Pháp sẽ phải hứng chịu áp lực nặng nề từ “cái bóng” quá lớn của đồng nghiệp Park Hang Seo.

Và như đã đề cập, 5 năm qua đội tuyển Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao và giới hạn. Sau đỉnh cao, bóng đá Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ bị chững lại và xuống dốc. “Phép màu” nào của Philippe Troussier sẽ đưa bóng đá Việt Nam bay cao?

Một chi tiết nữa không có lợi cho Philippe Troussier và cả bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia người Pháp (sinh ngày 21/3/1955) khá lớn tuổi so với mặt bằng chung của các huấn luyện viên trên thế giới. Gần 40 năm trong nghề giúp ông có kinh nghiệm, bản lĩnh nhưng ông bị nghi ngờ về khả năng bắt kịp sự thay đổi của bóng đá thế giới, cũng như những hỗ trợ to lớn từ công nghệ.

Bóng đá thế giới thay đổi liên tục, chiến thuật và lối chơi phải được cập nhật nếu không sẽ tụt hậu. Và cũng cần phải nói thêm, Philippe Troussier đã rời xa bóng đá đỉnh cao khá lâu. Gần 20 năm, ông mới dẫn dắt một đội tuyển quốc gia và thi đấu ở cấp độ bóng đá cao nhất.

Theo truyền thông Việt Nam, huấn luyện viên Philippe Troussier sẽ nhận lương cao hơn so với người tiền nhiệm Park Hang Seo nhưng không quá mức 150.000 USD/tháng như nhiều đồn đoán gần đây. Chiến lược gia người Pháp được cho từng nhận 125.000 USD/tháng khi làm ở Trung tâm Bóng đá PVF. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trả thấp hơn mức này nhưng nhà cầm quân người Pháp vẫn đồng ý. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Philippe Troussier dự tính ký hợp đồng 2 năm kèm điều khoản gia hạn một năm. Ông sẽ đảm nhận công tác huấn luyện ở đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ