Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo và việc làm
Ông Lê Trung Chinh |
Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa đáp ứng được yêu cầu. Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều mong muốn được học tiếp các trường THPT, rồi thi vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự thut hút được học sinh dù hiện nay nhu cầu lao động qua đào tạo, nhất là lao động có tay nghề cao là rất lớn. Vì vậy, để thực hiện chủ trương phân luồng có hiệu quả, trước hết phải thay đổi nhận thức của xã hội về bằng cấp. Từ đó, để các bậc phụ huynh và HS thấy học lên là chính đáng nhưng cũng cần xem xét đến năng lực cá nhân và hoàn cảnh gia đình để lựa chọn hướng đi phù hợp. Việc triển khai thực hiện phân luồng học sinh trong thời gian qua tại Đà Nẵng cho thấy, muốn đảm bảo hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT thì phải có cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư đến các cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời phải tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho HS sau khi học nghề.
Một vấn đề khác, hiện nay chúng ta vừa làm công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, vừa làm công tác phổ cập giáo dục trung học; vì vậy, nếu làm công tác phân luồng không hiệu quả thì vô hình chung sẽ đẩy các em ra ngoài xã hội, lúc đó sẽ trở thành gánh nặng cho toàn xã hội. Bởi vậy, khi thực hiện công tác phân luồng cần phải dựa trên những căn cứ thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội để triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trên cơ sở sự phối hợp thực hiện thống nhất, hiệu quả giữa các ban ngành.
ThS Nguyễn Hoàng Nhi - GĐ Trung tâm GDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp Đồng Tháp: Phải chấp nhận xu thế giáo dục hình nón
ThS Nguyễn Hoàng Nhi |
Để làm tốt công tác phân luồng HS sau THCS thì giải pháp là phân luồng ngay trong quá trình học THCS, nhất là lớp 9. Có nghĩa là điểm môn Văn và môn Toán theo quy định là bao nhiêu?. Khi lên lớp 10 sẽ được chọn học ở ban nào (A, B hay ban cơ bản) hay là học lớp 10 chuyên ngành nào… Còn nếu dưới điểm quy định đó, thì không tiếp tục học ở phổ thông mà phải vào các trường nghề… Chúng ta phải chấp nhận xu thế giáo dục phát triển phải là hình nón.
Về phần mình, các Trung tâm GDTX nên tham mưu với chính quyền địa phương và phối hợp với Phòng GD&ĐT (biết địa chỉ các em HS trượt vào lớp 10 các trường THPT) để cùng chính quyền địa phương huy động HS ra lớp. Làm như vậy nên năm học 2012-2013 công tác phân luồng HS tỉnh Đồng Tháp bước đầu đi vào ổn định. Trung tâm GDTX-KTHN tỉnh đã huy động được 332 HS không đỗ vào lớp 10 đã vào Trung tâm học GDTX và học nghề. Các đơn vị cũng nên phối hợp với Đài PT-TH địa phương để tuyên truyền ở diện rộng cho HS và cha mẹ biết để đăng ký cho con em vào lớp 10 ở 2 hệ. Một là học ở Trung tâm GDTX, hai là nếu trường THPT tọa lạc cách xa Trung tâm GDTX trên 7 km thì sẽ học lớp 10 hệ GDTX tại trường THPT nơi đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi học…
PV