Linh hoạt định hướng
Định hướng nghề nghiệp sớm giúp các em hình thành lộ trình học tập phù hợp với mục tiêu rõ ràng. Học sinh có được phương pháp học tập tốt nhất để phát huy được lợi thế và kiểm soát điểm yếu của bản thân, đủ thời gian để tu dưỡng và tập trung phát triển theo đúng định hướng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, tránh được áp lực và xung đột với bố mẹ do phải theo học những ngành trái với tiềm năng, đam mê và sở thích.
Xu hướng chung của thế giới việc định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam cũng được thực hiện ngay từ 14 tuổi, bởi độ tuổi này tính cách của các em đã dần hình thành để khám phá và tìm hiểu bản thân. Theo đó, định hướng nghề nghiệp sớm được chú trọng hơn ở cấp trung học cơ sở, cụ thể là ngay khi học sinh vào lớp 9. Đây được xem là “thời điểm vàng” để hướng nghiệp, tạo bước đi đầu tiên giúp các em định hình năng lực trên cơ sở sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của mình.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, trường THCS Phượng Lâu, TP Việt Trì (Phú Thọ) đã có những giải pháp thống nhất và đồng bộ nhằm giúp học sinh nhà trường có được sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân và nhu cầu của xã hội.
Nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để hoạt động hướng nghiệp cho học sinh đạt hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã cử cán bộ giáo viên có chuyên môn và năng lực phù hợp tập huấn nghiệp vụ tại trung tâm kĩ thuật hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh Phú Thọ. Chủ động trong việc nắm bắt thông tin thị trường lao động của thế giới, Việt Nam, tình hình lao động tại địa phương để cung cấp thông tin cho học sinh và phụ chính xác và kịp thời nhất.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức những buổi ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề về việc chọn nghề; phối hợp các trường nghề có tiếng của địa phương, khu vực, cũng như cựu học sinh trường đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề về trực tiếp tư vấn, sẻ chia kinh nghiệm trong công tác chọn nghề để học sinh có thêm nhiều góc nhìn, hiểu biết về những ngành nghề mà bản thân đang cân nhắc.
Hoạt động giáo dục tại Trường THCS Phượng Lâu. |
Việc chủ động định hướng nghề cho học sinh từ sớm thông qua việc giới thiệu những ngành nghề cụ thể, đặc tính công việc từng nghề, kết hợp với giảng giải để các em nhận ra bản thân mình phù hợp với những công việc gì… sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc đầu tư cho những môn liên quan tới khối thi, ngành học (hoặc rẽ hướng sang học nghề ngay khi kết thúc bậc THCS). Đây cũng là nền tảng giúp học sinh khi bước vào bậc THPT sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi, một ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường.
Đồng hành cùng học sinh, phụ huynh
Với quyết tâm giúp học sinh chọn lối đi đúng cho tương lai theo nhu cầu của xã hội, địa phương, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang quyết liệt dồn sức cho công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp. Trong đó, nhiều trường có cách làm mới như việc giờ đây không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng là đối tượng được tư vấn hướng nghiệp cho con cái mình. Nói cách khác, cha mẹ cũng được định hướng khi con chọn nghề, ngành phù hợp trên nguyên tắc “đồng hành chứ không làm thay”.
Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh đã phải “tự bơi” để hướng nghiệp cho con cái, vì bản thân thiếu nhiều thông tin và kiến thức hướng nghiệp, không nắm được bản thân con cái phù hợp với ngành nghề nào, có tố chất ở lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, do những quan điểm cá nhân hoặc do thiếu hiểu biết về nghề nghiệp nên nhiều phụ huynh đã tạo thêm áp lực cho con cái trước ngưỡng cửa vào đời. Vì vậy, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để giúp các em hiểu rõ sở thích và bản thân mong muốn làm những công việc như thế nào. Không nên gượng ép học sinh đi theo những ngành nghề “thời thượng” hoặc đang “hot” hoặc truyền thống gia đình nếu không phù hợp. Vì việc cố theo đuổi những công việc mà bản thân không yêu thích sẽ khiến các em dễ nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.
Qua công tác hướng nghiệp, học sinh biết được năng lực của bản thân và có định hướng rõ ràng cho tương lai. |
Tại trường THCS Phượng Lâu, ngoài hoạt động tư vấn hướng nghiệp nhà trường còn mời chuyên gia làm sinh trắc học vân tay, nắm bắt tâm lý cho học sinh qua đó có thêm gợi ý quan trọng trong quá trình hướng nghiệp. Cụ thể, đối với các em có xu hướng tâm lý hướng nội, có khuynh hướng thích yên tĩnh, trầm tính, ít nói và thường làm việc một mình rất tốt. Đây là điểm mạnh với các em nhưng sẽ cần phát triển thêm về các kỹ năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm. Nên tạo mọi điều kiện để các em được tham gia các hoạt động rèn các kĩ năng này.
Với các em xu hướng tâm lý hướng ngoại, có sở trường làm việc tốt trong môi trường tập thể, thích kết bạn, quan tâm đến các sự kiện diễn ra xung quanh và mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân nhưng cần rèn luyện thêm về khả năng tập trung, tự nghiên cứu.
Sau khi hiểu rõ về sở thích, đam mê và năng lực cá nhân của học sinh, ba mẹ và nhà trường có thể cùng học sinh tìm hiểu về các ngành nghề phù hợp khác nhau được các chuyên gia khuyến nghị.