Tại câu lạc bộ hài kịch UB nằm phía sau một quán bar ở trung tâm Ulaanbaatar (thủ đô của Mông cổ), khán giả phần lớn là phụ nữ. Những nhóm phụ nữ ăn mặc chỉnh tề, dường như vừa ra khỏi văn phòng, hớp từng ngụm bia trong khi xem một chàng trai Mông Cổ trẻ tuổi biểu diễn trên sân khấu.
“Những người phụ nữ của chúng ta thật đẹp”, anh chàng vừa nói vừa gật đầu với vài người đàn ông ngồi phía trước. "Họ là những người bạn rất tuyệt vời, nhưng họ rất điên rồ". Một vài người đàn ông cười khúc khích nhưng cả căn phòng hầu như im lặng. Ở khắp mọi nơi, mỗi quán cà phê, quán bar hay câu lạc bộ như thế này, luôn có rất nhiều chị em.
Vài thập kỷ gần đây, các gia đình Mông Cổ đã đầu tư cho con gái họ bằng cách gửi chúng đến các trường phổ thông hay đại học ở thủ đô. Nhiều cha mẹ tin rằng con gái sẽ chăm sóc họ khi về già. Một số thì nghĩ rằng con gái cần đi học vì chăn gia súc là công việc của đàn ông, do đó, đa phần con trai được giữ ở nhà để lao động. Xu hướng này làm nảy sinh vấn đề "bất bình đẳng giới ngược" tại Mông Cổ. Phụ nữ giờ được đi học nhiều hơn nam giới. Họ ít có khả năng bị thất nghiệp và cũng sống thọ hơn nam giới, trung bình khoảng 10 năm.
Vượt xa đàn ông, phụ nữ thành thị Mông Cổ, gồm rất nhiều người ở lại thành phố sau khi học xong đại học, cảm thấy khó khăn khi kiếm chồng theo cách của cha mẹ họ đã làm. Theo văn phòng thống kê quốc gia, năm 2016, tỷ lệ kết hôn ở Ulaanbaatar đã giảm xuống 0,89% so với con số 2,29% của năm 2007.
Phụ nữ thành thị phàn nàn rằng ở đây có quá ít nam giới phù hợp cho họ. Đất nước Mông Cổ có khoảng 3 triệu dân và một nửa đang sống tại thủ đô Ulaanbaatar, và ở đây, số phụ nữ nhiều hơn nam giới đến 60.000 người. Ở các trường đại học và trong các công sở, nữ giới luôn nhiều hơn nam giới. Gần 40% nam giới ở thành thị trên 15 tuổi đã kết hôn, trong khi với phụ nữ, con số này chỉ là 32%.
Phụ nữ Mông Cổ phải đối mặt với áp lực xây dựng sự nghiệp đồng thời kết hôn trước tuổi 29. Khi lớn tuổi hơn, những tính toán của phụ nữ cũng có thay đổi. Zola (tên nhân vật đã thay đổi) từng là một nhà kinh tế học, đã tìm kiếm ý trung nhân trong nhiều năm, kể từ khi cô học xong thạc sĩ ở nước ngoài trở về.
Cô đã tham gia các sự kiện hẹn hò và nhờ bạn bè mai mối. Cô cũng một lần đến nhờ pháp sư. Gần đây, cô quyết định hạ thấp các tiêu chuẩn chọn chồng của mình: “Bây giờ tôi chỉ cần một người biết quan tâm và chấp nhận tôi. Tôi không cần người nhiều tiền hay học vấn cao. Anh ấy cũng không nhất thiết phải thành công, miễn là tử tế, biết lắng nghe và quan tâm chăm sóc tôi”.
Ở thủ đô Mông Cổ, số phụ nữ nhiều hơn hẳn nam giới -Ảnh:Reuters. |
Đây không chỉ là những con số. Nhiều người nói rằng vấn đề là sự mâu thuẫn giữa quan điểm và kỳ vọng. “Những cô gái trẻ được dạy rằng họ cần phải thành công, và sau khi bạn thành công, sẽ không có đối tác phù hợp cho bạn. Áp lực xã hội buộc bạn phải kết hôn nhưng tìm được một người tương xứng là rất khó”, Alimaa Altangerel, nhà bình luận chuyên về các vấn đề xã hội viết.
Manduhai Tsogtbal, 32 tuổi, doanh nhân điều hành một công ty dịch thuật trực tuyến đã bắt tay kinh doanh từ khi còn là sinh viên. Trong thời gian học MBA tại Mỹ, cô đã mua nhà hàng Thái Lan, nơi cô từng làm hầu bàn và biến nó thành một quán sushi có lợi nhuận nhiều hơn. Cô nói đàn ông không đánh giá cao khi cô bàn các ý tưởng kinh doanh của họ. "Tôi có thể cảm nhận được" cô nói. "Rất nhiều bạn bè khuyên tôi im lặng, giả ngốc và nên hỏi họ các câu hỏi khác".
Một cuộc khảo sát do ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 3/2018 cho thấy đàn ông Mông Cổ ở tuổi 20 thường cho rằng phụ nữ tham vọng hơn nam giới, điều này khiến họ thấy chị em kém hấp dẫn. Nhiều người thắc mắc tại sao phụ nữ đầu tư quá nhiều vào sự nghiệp học hành, khiến họ càng tăng nguy cơ ế chồng.
Bulganchimeg Gantulga, 19 tuổi, sinh viên ngành khoa học chính trị cho biết các chàng trai thế hệ cô thường huýt sáo với những cô gái mặc váy ngắn. Cô cho rằng, những anh chàng này, kể cả những bạn học của mình, sẽ bị xếp sau khi nói đến giới tính. Cô nghĩ rằng mình sẽ không lấy chồng. "Khi một người đàn ông không tôn trọng phụ nữ, hiển nhiên anh ta sẽ không phải là một người chồng tử tế", Bulganchimeg kết luận.
Khoảng cách giới tính ở Mông Cổ, những khó khăn mà cả hai giới nữ và nam phải đối mặt đều cho thấy vị thế nhỏ bé của phái mạnh ở quốc gia này. Hàng ngàn nam giới mất việc khi các công ty nhà nước được tư nhân hóa vào những năm 1990.
Các tổ chức phi chính phủ và chính phủ hướng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới khiến tỷ lệ nghiện rượu và thất nghiệp trong nam giới ngày càng tăng. “Phụ nữ bắt đầu coi thường đàn ông bởi đàn ông đã quá tụt hậu. Không ai muốn sống với một ông chồng thất học và thô lỗ. Mặt khác, đàn ông cũng cảm nhận được rằng phụ nữ chỉ tìm kiếm những quý ông giàu có và có học vấn cao hơn”, Boldbaatar Tumur, người đứng đầu Hội Nam giới ở tỉnh Govisümber cho biết.
Tại Caffe Bene, một chuỗi cà phê theo phong cách Hàn Quốc ở trung tâm Ulaanbaatar, khách đa số là những phụ nữ trẻ. Người thì nghỉ ngơi sau chuyến shopping, hý hoáy nhắn tin trên điện thoại. Người thì đọc sách. Người thì trò chuyện cùng đồng nghiệp thông qua máy tính.
Phụ nữ độc thân ở Mông Cổ đối mặt với một số kỳ thị, khiến cho việc hẹn hò thậm chí còn khó khăn hơn. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, khi cả gia đình đoàn tụ, phụ nữ thường xuyên nhận được các câu hỏi về tình trạng hôn nhân. Solongo Bold, một người mẹ đơn thân có hai đứa con đang làm việc tại một công ty khai thác mỏ tâm sự: "Bạn cảm thấy mình đang bị trách móc vì độc thân".
Phụ nữ độc thân thường cảm thấy như bị trách móc vì tình trạng hôn nhân - Ảnh:Guardian. |
Phụ nữ Mông Cổ cũng phải đối mặt với một nền văn hóa hẹn hò tương đối thận trọng. Thay vì gặp gỡ trong các quán bar hay câu lạc bộ, người Mông Cổ độc thân thường tìm người yêu trên Facebook hoặc Instagram, trò chuyện qua tin nhắn riêng tư, cách xa chốn công cộng.
Các câu lạc bộ và quán bar ở Ulaanbaatar đã bắt đầu tổ chức các sự kiện hẹn hò tốc độ, nhưng nhiều người xấu hổ không dám tham gia. Bây giờ, thay vì các đêm cho người độc thân, người ta tổ chức các buổi tiệc với các cặp nam và nữ được ghép một cách ngẫu nhiên. Khoảng 60% những người tham gia đăng ký là phụ nữ.
Đối với Anna Battulga, 25 tuổi, một sinh viên vừa tốt nghiệp và đang làm trong lĩnh vực nhân sự, yêu đương thời nay khác xa với thời của cha mẹ cô - những người đã gặp nhau vào những năm 1980 ở Ulaanbaatar khi Mông Cổ vẫn theo chế độ cộng sản.
Mẹ Battulga làm việc trong cửa hàng còn cha cô là một cảnh sát. Sau khi gặp mẹ Battulga, cha cô đến cửa hàng ngồi lỳ hàng tuần khiến người chủ cửa hàng phát sợ. Rồi cha mẹ cô đi xem phim ở rạp, cha cô sẽ dịch tiếng Nga sang tiếng Mông Cổ cho mẹ cô. Sau vài tháng, ông lo lắng hỏi liệu cha mẹ mình có thể đến gặp bố mẹ bà để xin cưới, giống như truyền thống của người Mông Cổ.
Tuy nhiên, Anna Battulga cho rằng mình sẽ gặp được ai đó qua Facebook, Instagram hoặc Tinder. Cô lướt qua các trang cá nhân để tìm người, bỏ qua những ai chỉ đăng ảnh phong cảnh cũng như những người nước ngoài.
“Số lượng người tham gia các ứng dụng này cao hơn nhiều so với một vài năm trước đây”, Anna cho biết. Khi được hỏi về một thành ngữ Mông Cổ, tạm dịch là “Người bạn đời sẽ chờ đợi bạn trên con đường của bạn”, Anna trả lời: "Tôi nghĩ điều đó khó có thể xảy ra trên thực tế".