Lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương là hai đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất về mặt phân công công việc và do vậy, họ hợp lại tạo thành một nhóm gọi là “việc làm dễ bị tổn thương”.
Họ là đối tượng ít có khả năng nhất được phân công công việc chính thức, ít được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội trước các cú sốc kinh tế và ít có khả năng có các khoản tiết kiệm.
Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch Covid-19 có thể làm mất đi nhiều lựa chọn thu nhập của những người cận nghèo như công nhân tái chế rác thải và người bán hàng rong.
Ở Việt Nam, hơn nửa lực lượng lao động của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ và chiếm phần đa trên tổng số việc làm của tất cả các lĩnh vực đó. Phụ nữ chiếm tỷ lệ đặc biệt cao trong các phân ngành ghi nhận sự sụt giảm về sản lượng.
Chẳng hạn như lĩnh vực thương mại bán lẻ mà phụ nữ chiếm gần 64% tổng số lao động và ngành dệt may với hơn 77% lực lượng lao động là nữ. Ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, nhiều phụ nữ là lao động gia đình không được trả lương hơn so với nam giới, và tồn tại chênh lệch tiền lương theo giới.
Cú sốc kinh tế hiện tại sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức này. Bên cạnh đó, tác động của khủng hoảng kinh tế đối với phụ nữ sẽ đi kèm với những chuẩn tắc xã hội đặc trưng của Việt Nam, cho rằng phụ nữ có thiên chức chăm sóc gia đình trong khi vẫn kỳ vọng họ cũng tích cực trên thị trường lao động gần như nam giới.
Trong năm 2019, phụ nữ có việc làm đã dành trung bình 38,8 giờ mỗi tuần cho công việc ít hơn nam giới 1,2 giờ, cộng thêm 23,5 giờ mỗi tuần để làm việc nhà nhiều hơn nam giới 12,7 giờ. Khi trường học vẫn đóng cửa từ đầu tháng 2 và các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng, trách nhiệm chăm sóc con cái chủ yếu là do phụ nữ gánh vác, điều này có thể khiến họ phải đưa ra những quyết định về việc làm của mình và có lẽ sẽ làm giảm hơn nữa thu nhập của họ.
Một trong những giải pháp cấp bách hỗ trợ nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế là công tác bảo trợ xã hội. Giám đốc ILO tại Việt Nam - ông Chang Hee Lee cho biết: Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhóm giải pháp đầu tiên nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp bằng hình thức trợ cấp tiền mặt. Đây là những nỗ lực rất đáng khen ngợi. Những hệ thống bảo trợ xã hội thực sự đóng vai trò quan trọng trong mọi biện pháp ứng phó khủng hoảng, giải quyết ba khía cạnh chính của đại dịch và những tác động về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây nên.
Bảo trợ xã hội là công cụ bình ổn kinh tế và xã hội. Cú sốc đối với phía cung và cầu do đại dịch có thể sẽ gây tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trong dài hạn, điều này kêu gọi hành động nhanh chóng và các chính sách kinh tế xã hội quyết liệt. Bảo trợ xã hội đảm bảo các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình có thể duy trì tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tổng cầu và vạch ra một con đường chắc chắn cho công cuộc phục hồi sau khủng hoảng.