Phụ nữ Cà Mau hỗ trợ nhau thoát nghèo

GD&TĐ -Thời gian qua, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau (LHPN) đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo.

Phụ nữ Cà Mau hỗ trợ nhau thoát nghèo

Biến rác thải thành vốn khởi nghiệp

Mô hình “Biến rác thải thành vốn khởi nghiệp” và xây dựng “Quỹ học bổng 20-10 từ bán phế liệu” được Hội LHPN huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) triển khai từ năm 2021, đến nay đã thu hút được hàng ngàn hội viên tham gia. Qua mô hình, hội đã trao được gần 870 suất tiền và quà cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học.

Chia sẻ về mô hình này, chị Phạm Hồng Hận, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết: Từ khi được phát động thực hiện phòng chống rác thải nhựa, chúng tôi đã hưởng ứng tích cực bằng hành động cụ thể và duy trì các hoạt động đó hằng ngày.

“Mình gom rác thải bán lấy tiền, dù mỗi hộ chỉ được một ít nhưng nhờ nhiều hộ hưởng ứng nên mỗi tháng cũng bán được vài trăm ngàn/chi hội. Số tiền này dành đến khi được số vốn kha khá, hội sẽ hỗ trợ cho một chị để làm ăn. Cách làm này hiệu quả nên được chị em ủng hộ hết mình”, chị Hận cho biết.

“Tôi thấy mô hình này hay, ý nghĩa, dù số tiền mình góp không nhiều nhưng tạo ý thức cho chị em và cũng góp phần phân loại rác, bảo vệ môi trường cho con cháu mình”, chị Nguyễn Cẩm Mè, ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời nói.

Mỗi tháng chi hội phụ nữ các ấp sẽ họp một lần mang theo phế liệu để bán, đóng góp vào quỹ.

Mỗi tháng chi hội phụ nữ các ấp sẽ họp một lần mang theo phế liệu để bán, đóng góp vào quỹ.

Chị Phạm Ngọc Ân, hội viên phụ nữ ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: Trước đây nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận 400 ngàn từ tiền bán đồ nhựa và nguồn vốn vay nội lực xoay vòng từ các chị em trong ấp, tôi có tổng vốn hơn 5 triệu đồng để mua heo về nuôi và buôn bán tạp hoá nhỏ. Sau 2 năm, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước và đã thoát được hộ nghèo.

Khởi nghiệp với mô hình làm tinh bột nghệ, nhưng do ít vốn, lúc đầu chị Lâm Hằng Ni, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tự chế máy xay nghệ, mỗi ngày xay được chục ký, năng suất kém, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

“Từ ngày được chị em trong hội xét cho nhận hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn bán rác thải nhựa và vốn xoay vòng, tôi mua được máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm. Hiện tại mỗi năm tôi bán ra thị trường được hàng trăm ký sản phẩm tinh bột nghệ. Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, đúng lúc cần sẽ giúp được rất nhiều người phát triển”, chị Ni cho hay.

Hội LHPN huyện Trần Văn Thời tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Hội LHPN huyện Trần Văn Thời tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Chị Ni và chị Ân chỉ là 2 trong số hàng trăm hội viên nhận được suất tiền hỗ trợ, giúp đỡ trong lúc gặp khó khăn từ mô hình “Biến rác thải nhựa thành vốn khởi nghiệp” mà Hội LHPN huyện Trần Văn Thời đã thực hiện hơn 3 năm qua.

“Chúng tôi công khai nguồn vốn hỗ trợ và người được vay mượn cũng phải được sự thống nhất từ mọi người nên Quỹ này hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh việc hỗ trợ chị em, chúng tôi hướng đến nâng cao nhận thức cho chị em, cộng đồng trong việc phân loại rác thải nhựa để tiết kiệm, giảm lượng phát thải, làm cho môi trường sống xanh, sạch, đẹp”, chị Nguyễn Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời cho biết.

Đa dạng hóa mô hình

Ngoài mô hình “Biến rác thải thành vốn khởi nghiệp” và xây dựng “Quỹ học bổng 20-10 từ bán phế liệu”, thời gian qua các cấp Hội LHPN huyện Trần Văn Thời còn triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, giúp hội viên thoát nghèo như mô hình “tổ phụ nữ hùn tiền xây nhà tiêu hợp vệ sinh”; mô hình “hũ gạo tình thương”; tổ nuôi heo đất; tổ tiết kiệm hùn vốn xoay vòng; mô hình “10 trong 1” (10 hộ khá giúp 1 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn)...

Riêng tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), thời gian qua các chi hội phụ nữ đã duy trì được 27 tổ hũ gạo tình thương với gần 700 thành viên tham gia, giúp đỡ gạo thường xuyên cho 162 lượt chị em có hoàn cảnh khó khăn; duy trì 29 tổ nuôi heo đất với 725 thành viên, góp được 25 triệu đồng, giúp 20 chị có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn.

Địa phương cũng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ “Nữ doanh nghiệp” thị trấn với 20 thành viên, góp quỹ trong năm được 130 triệu đồng, hỗ trợ giúp 6 người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác.

Cuộc họp định kỳ của hội viên phụ nữ khóm 1, TT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Cuộc họp định kỳ của hội viên phụ nữ khóm 1, TT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Chị Ðỗ Thị Âu, hội viên phụ nữ khóm 1, TT Sông Đốc chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, nhờ tham gia hội, được hội kết nối mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng cất nhà mới, tạo điều kiện vay vốn kinh doanh.

Từ đồng vốn này, tôi đầu tư mua bán nhỏ, thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng, giúp gia đình thoát nghèo. Từ đây gia đình quyết tâm làm ăn, không để tái nghèo, phụ lòng các chị em đã quan tâm, giúp đỡ".

Ngoài cho vay vốn, giúp đỡ vật chất, Hội LHPN TT Sông Đốc còn tạo công ăn việc làm cho chị em thông qua việc thành lập và duy trì hoạt động tổ hợp tác vá lưới với 16 thành viên; tổ hợp tác làm cá khô với 26 thành viên, thu nhập bình quân mỗi thành viên từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Phụ nữ thị trấn Sông Đốc được tạo công ăn việc làm tại địa phương.

Phụ nữ thị trấn Sông Đốc được tạo công ăn việc làm tại địa phương.

Phụ nữ TT Sông Đốc tham gia tổ hợp tác vá lưới kiếm thêm thu nhập.

Phụ nữ TT Sông Đốc tham gia tổ hợp tác vá lưới kiếm thêm thu nhập.

Bà Ngô Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Đốc, cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN thị trấn thực hiện đa dạng hóa phong trào, mô hình để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ.

Năm 2023, Hội LHPN thị trấn đã nhận giúp đỡ 7 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo và 5 hộ mới thoát nghèo. Bằng nhiều hình thức giúp đỡ, mô hình triển khai phù hợp, hội đã góp phần giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ