Phụ huynh mua SGK lớp 1 mới: Hiểu biết để chọn đúng, mua đủ

GD&TĐ - Bước vào năm học mới đa số các gia đình, phụ huynh đều tìm mua SGK cho con. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì thiếu am hiểu, chưa có đủ thông tin cần thiết nên còn lúng túng trong việc chọn đúng, mua đủ SGK.

PHHS có quyền tự quyết trong việc mua SGK cho HS. Ảnh: IT
PHHS có quyền tự quyết trong việc mua SGK cho HS. Ảnh: IT

HS lớp 1 cần mua những sách gi?

TS Thái Văn Tài – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.

Như vậy, ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy-học và trên tinh thần tự nguyện của PH, HS mà trang bị cho các em; các nhà trường, GV không được ép buộc HS mua tài liệu tham khảo. Quy định này, các phụ huynh cần nắm rõ để phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em thêm hiệu quả.

Đặc biệt, giá SGK lớp 1 đã được kê khai với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó đối với các đầu sách có tỉ lệ chọn ít, giá SGK vẫn đảm bảo ổn định theo mức đã kê khai.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXBGDVN cho biết: Đối với SGK từ lớp 2 - 12 vẫn giữ nguyên giá như năm học 2019-2020. Bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 đã được niêm yết tại các cửa hàng bán lẻ và đăng tải trên website: www.nxbgd.vn.

Phụ huynh được quyền lựa chọn

Năm nay là năm học đầu tiên triển khai CTGDPT mới, bắt đầu với SGK lớp 1.

Việc mua sách ở đâu, mua những loại sách tham khảo nào, PHHS đều có quyền tự quyết. Các nhà trường không phải là “kênh” duy nhất có thể cung cấp được SGK cho PHHS.

Tuy nhiên, để tránh mua phải sách giả, sách in lậu, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng GV, PH và HS nên tìm mua sách tại các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối chính thức của NXB, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương; không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường. Bởi như vậy hoàn toàn có thể mua phải sách “lậu”, sách kém chất lượng.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 1 cũng bày tỏ quan điểm: các trường và đơn vị phát hành cần minh bạch, rạch ròi theo từng hạng mục: SGK; sách bổ trợ, tham khảo; thiết bị đồ dùng dạy học… để phụ huynh dễ theo dõi. Không nên gửi cho phụ huynh theo kiểu “combo” trọn gói.

“Thuận mua, vừa bán”, nên phụ huynh có quyền chọn mua sách này và không mua sách kia. Nếu nhà trường ngăn cản hoặc làm khó, phụ huynh có thể phản hồi đến các cấp có thẩm quyền.

GS Đinh Quang Báo – Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội  nêu quan điểm: Trách nhiệm cung cấp thông tin về sách phải thuộc về các nhà trường. PHHS nếu thấy khúc mắc, thông tin chưa rõ ràng, minh bạch cần có ý kiến, thậm chí có quyền từ chối mua SGK ở trường. Nếu có bằng chứng rõ ràng về việc bán SGK “lèm nhèm” kèm sách tham khảo của nhà trường thì có thể tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT cần thiết lập đường dây nóng để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời những thông tin về SGK mà họ đã nắm bắt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ