Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung (còn gọi là CSAT). Phản ứng của giáo viên phổ thông, trường đại học và phụ huynh trước thay đổi trên là khác nhau.
Giáo viên phổ thông bày tỏ lo ngại những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng thí sinh cạnh tranh vào các trường đại học tốp đầu do số môn thi giảm. Cụ thể, các môn tự chọn sẽ được tích hợp vào các môn thi chính gồm Tiếng Hàn, Toán học, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên và Giáo dục Nghề nghiệp.
Nhiều học sinh, phụ huynh cảm thấy bối rối trước những thay đổi từ chính phủ. Các trung tâm giáo dục tư nhân, trường luyện thi đang hối hả tổ chức các hội thảo xoay quanh đề xuất cải cách tuyển sinh đại học.
Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu nhận định cải cách không tác động đáng kể đến kế hoạch tuyển sinh của họ.
Ông Chun Myung-sun, Giám đốc Tuyển sinh Đại học Quốc gia Seoul (SNU), cho biết: “Nhiều người dự đoán phương pháp tuyển sinh và đánh giá sẽ thay đổi chất lượng tuyển sinh của các trường đại học nhưng từ góc độ của cơ sở đào tạo, những thay đổi này không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của SNU. Nhà trường không chỉ lựa chọn sinh viên dựa trên điểm trung bình học tập hay điểm thi đại học mà đánh giá toàn diện”.
Theo ông Chun, cải cách có thể giải quyết vấn đề về số lượng môn thi, kết hợp khả năng đánh giá tuyệt đối và tương đối và tăng cường quyền tự chủ của các trường đại học. Nếu chính phủ có thể hoàn thiện cải cách và công bố trong năm nay, trường sẽ thông báo điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh (nếu có) vào đầu năm sau.
Bên cạnh tranh cãi xoay quanh việc cải cách hệ thống tuyển sinh thì việc thay đổi phương pháp chấm điểm cũng là vấn đề được thảo luận. Nằm trong khuôn khổ cải cách, từ năm 2025, các trường trung học sẽ sử dụng thang điểm 5 bậc từ A đến E thay vì 9 bậc như hiện nay.
Phương pháp chấm điểm mới sẽ dựa vào các tiêu chí cụ thể ở từng ngưỡng điểm nhằm giúp học sinh dễ đạt điểm A hơn. Còn với phương thức chấm điểm hiện nay, ở mỗi môn, điểm số sẽ phân loại học sinh vào 9 nhóm và chỉ những học sinh ở nhóm cao nhất mới được nhận vào trường đại học danh tiếng. Tính cạnh tranh rất cao khi chỉ 4% được xếp loại vào nhóm 1, tương đương với điểm A+.
Phương pháp trên nhằm tạo ra môi trường học đa dạng, trau dồi khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Học sinh Hàn Quốc có thể làm bài tập theo nhóm thay vì kiểm tra thuộc lòng.
Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Giáo dục Hàn Quốc cho biết: “Trong hệ thống chấm điểm 5 cấp, khả năng phân loại học sinh sẽ giảm đi nhưng tính cạnh tranh trong điểm thi đại học có thể tăng lên. Để học sinh có học lực sàn sàn nhau cạnh tranh và giành điểm cao trong kỳ thi đại học, các phụ huynh Hàn Quốc sẽ tìm đến trung tâm tư nhân nhiều hơn”.
Một phụ huynh có con học lớp 9 cho hay: “Tôi không hiểu tại sao hệ thống tuyển sinh lại thay đổi thường xuyên như vậy. Ngay cả khi những thay đổi trên không tạo nên quá nhiều khác biệt thì chúng tôi vẫn khó nắm bắt kế hoạch này. Học sinh và phụ huynh vẫn phải phụ thuộc vào giáo dục tư nhân để chuẩn bị cho những thay đổi trên”.