Phụ huynh Đức chuộng trường bán trú

GD&TĐ - Không giống như hầu hết các nước châu Âu, Đức vẫn có một lượng lớn trường tiểu học và THCS học 1 buổi/ngày. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây cho thấy phụ huynh Đức hài lòng hơn với trường học bán trú…

Phụ huynh Đức chuộng trường bán trú

Tỉ trọng trường bán trú tăng lên

Về nhà ăn trưa, hay ở lại trường đến chiều - ngày học nên dài bao lâu? Tại hầu hết các nước châu Âu, ở lại trường học bán trú là chuyện đương nhiên. Nhưng ít nhất tại phương Tây, Đức là một ngoại lệ.

Trong khi trường bán trú đã là chuẩn mực của quốc gia Đông Đức (cũ) thì trẻ em Tây Đức (cũ) kết thúc ngày học vào buổi trưa. Cho tới năm 1958, Tây Đức mới có một vài trường bán trú mở ra tại Kassel và Frankfurt. Đến nay, Đức đã có hơn 16.000 trường học tổ chức dạy cả ngày.

Theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Quỹ Bertelsmann, tỉ lệ học sinh tại các trường bán trú chiếm khoảng 10% tổng số học sinh năm 2002 - nhưng đến năm học 2014 - 2015, tỉ lệ này trên toàn quốc đã tăng hơn 3 lần lên khoảng 38% - và số trường có nhận dạy cả ngày tăng lên khoảng 60%.

Phụ huynh có con học bán trú tỏ ra hài lòng hơn với trường và lớp mà con cái họ học hơn là phụ huynh có con học nửa buổi - theo nghiên cứu có tựa đề “Quan điểm phụ huynh về trường bán trú: Mong muốn, trải nghiệm, nhu cầu thay đổi”. Phụ huynh những học sinh học trường bán trú hài lòng cả về nội dung lẫn khối lượng kiến thức mà con họ được học: Họ cảm thấy giáo viên có khả năng sư phạm tốt hơn và trường học cũng được trang bị thích hợp cho việc giáo dục con cái thay vì để trẻ nửa buổi tự quản tại nhà.

“Chúng tôi hài lòng với kết quả nghiên cứu bởi Quỹ Bertelsmann đang thuyết phục người dân rằng trường học bán trú đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cơ hội bình đẳng cho trẻ em” - Nicole Hollenbach-Biele, phụ trách nhóm nghiên cứu chia sẻ. Nghiên cứu phỏng vấn hơn 4.300 phụ huynh Đức có con từ 6 đến 16 tuổi trong tháng 2/2015.

Vài nét về GD Đức

Hệ thống tiểu học (Grundschule) ở Đức thường kéo dài 4 năm. Riêng ở Berlin và Brandenburg là 6 năm. Cha mẹ có nhiều lựa chọn về trường học cho con cái mình. Các trường công lập thì miễn phí và hầu hết trường tiểu học ở Đức là trường công lập. Ngoài ra còn có các trường đặc biệt như Trường Waldorf, Trường Montessori, các trường của nhà thờ và các trường tư thục khác.

Cuối bậc tiểu học, giáo viên thường tổ chức các khóa định hướng cho học sinh của mình tùy theo năng lực học tập của các em. Mục đích là để học sinh tiểu học có sự lựa chọn trường trung học thích hợp cho mình.

Giáo dục trung học bao gồm 4 loại trường với các mức độ học thuật khác nhau, trong đó:

Hauptschule (“trường cơ bản”) là loại trường trung học cơ sở ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho dạy nghề. Kỳ thi tốt nghiệp Hauptschule gọi là Hauptschulabschluss, sau khi học xong lớp 9.

Realschule (“trường thực hành”) có phạm vi học thuật rộng hơn và bắt đầu từ lớp 5 hoặc lớp 6 tùy từng bang đến hết lớp 10 hoặc lớp 11. Ở một số tiểu bang học sinh phải đủ điểm hoặc qua kỳ thi tuyển sinh mới được vào học (ở Bayern phải được điểm trung bình 2,6 từ 3 môn Toán, Tiếng Đức và Kiến thức tổng quát cuối lớp 4). Hệ này kết thúc với kỳ thi tốt nghiệp Mittlere Reife.

Mặc dù số trường học bán trú đã tăng nhanh hơn nhưng thực tế trường học nửa ngày tại Đức vẫn rất phổ biến tại khu vực nông thôn với cấu trúc gia đình truyền thống hơn. Nhưng cho dù muốn thì những gia đình khu vực nông thôn cũng không có sự lựa chọn: 32% số phụ huynh được hỏi cho biết gần nhà không có trường bán trú. Một trong 3 phụ huynh có con đang học trường dạy nửa ngày cho biết sẽ quyết định khác nếu có trường bán trú gần nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.