Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát để vừa bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, vừa đủ dinh dưỡng cần được tăng cường, đặc biệt tại nhóm trẻ độc lập.
Tăng cường giám sát
Hiện Đà Nẵng có 199 bếp ăn tập thể tại trường mầm non, 77 bếp ăn tập thể của trường tiểu học, 27 bếp ăn tập thể trung tâm lưu trú và 580 bếp ăn tập thể ở các nhóm trẻ gia đình.
Hàng năm, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý các trường có bán trú trên địa bàn. Nhân viên cấp dưỡng được tập huấn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách, việc lưu trữ mẫu thức ăn theo đúng quy định; được giới thiệu, hướng dẫn việc sử dụng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của thực phẩm.
Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê (TP Đà Nẵng), qua kiểm tra thực tế tại các trường học cho thấy, chất lượng nguồn nước uống vẫn chưa được chú trọng. “Chúng tôi đã nhắc nhở các trường cần vệ sinh đường ống nước định kỳ, thau rửa bể nước và phải tiến hành xét nghiệm chất lượng nguồn nước theo đúng quy định” – bà Chinh cho biết.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có văn bản hướng dẫn các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bếp ăn bán trú. Đồng thời hướng dẫn các trường mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khâu tiếp phẩm. Các trường học cũng tăng cường sử dụng hệ thống camera theo dõi nhằm quản lý công tác bán trú được minh bạch và an toàn hơn.
Tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Ban giám hiệu thông báo đến Ban đại diện cha mẹ học sinh của các lớp học việc đăng ký tham gia giám sát trong ban tiếp nhận thực phẩm bán trú để gửi danh sách cho tổ bảo vệ nhà trường được biết.
Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn tự phân chia nhau tham gia giám sát việc tiếp phẩm, giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, vệ sinh trường học, thậm chí là kiểm tra chất lượng nguồn nước uống…
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho rằng, cho dù chưa có quy định bắt buộc phụ huynh phải tham gia vào tổ tiếp phẩm hoặc giám sát chất lượng các dịch vụ giáo dục nhưng nếu phụ huynh có nguyện vọng tham gia giám sát là điều bình thường vì đây là dịch vụ có sự thỏa thuận giữa 2 bên và liên quan đến quyền lợi của học sinh.
Tương tự, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) quán triệt đến tổ cấp dưỡng về nguyên tắc thực phẩm chỉ được dùng trong ngày, không để lại cho ngày hôm sau. Thậm chí, các loại hành, tỏi, gừng dùng để ướp thực phẩm cũng phải được bóc, gọt vỏ vào buổi sáng của mỗi ngày chứ không được sơ chế từ hôm trước rồi để lại.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các trường học có tổ chức bán trú đều ký hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp và nhà trường, thực hiện nghiêm quy định sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Theo đó, các loại thực phẩm, hàng hóa cung ứng cho các đơn vị trường học phải có bao bì, nhãn mác quy định hạn sử dụng, cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy kiểm dịch của y tế cho phép sử dụng. Đặc biệt, việc lưu mẫu thực phẩm đúng quy định, thời gian là 24 tiếng đồng hồ được chú trọng.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hoàng Chinh, khó nhất vẫn là kiểm soát chất lượng bữa ăn cũng như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhóm trẻ gia đình. Mặc dù đội ngũ cấp dưỡng, chủ nhóm trẻ đều được tham gia các lớp bồi dưỡng về cấp dưỡng, nhưng do quy mô lớp nhỏ, số lượng trẻ ít nên việc thực hiện hợp đồng cung ứng thực phẩm với các doanh nghiệp khó thực hiện.
Bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) luôn đảm bảo vệ sinh, an toàn. Ảnh minh họa |
Kiểm soát chặt các khâu
Ngày 20/11, tại Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 200 học sinh phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một học sinh tử vong.
Từ sự cố này, nhiều nhà trường đang phải khẩn trương rà soát, siết chặt quản lý các bếp ăn bán trú trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT cũng có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà trường các cấp thực hiện nghiêm túc quy định liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về việc này. Bộ cũng lưu ý các trường phải kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Sử dụng thực phẩm được nấu chín và nước đã đun sôi. Nghiêm cấm cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Văn bản trên cũng đề nghị các địa phương lưu ý tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm. Các nhà trường phải có kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn, thu gom rác thải xung quanh trường.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh cần được phối hợp chặt chẽ để thống nhất về kế hoạch hành động giữa các nhà trường với chính quyền và gia đình học sinh. Việc vệ sinh an toàn thực phẩm phải được thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm.