Song hành chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục
Bà Lê Thị Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội nhận định: Trong các trường học mầm non (MN), công tác chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục là hai lĩnh vực song song được tồn tại nhằm mục đích phát triển toàn diện cho trẻ mầm non về đức- trí- thể- mỹ.
Cùng với các hoạt động giáo dục phát triển trí tuệ thì sức khỏe, các yếu tố an toàn cho HS cũng là nội dung hết sức cần thiết. Qua đó, góp phần phát triển trẻ MN toàn diện hơn, đồng thời thể hiện được việc điều hành, quản lý chung của CBQL nhà trường và sự nhiệt huyết của nhà giáo trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
Xác định được tầm quan trọng của công tác chăm sóc nuôi dưỡng HS, trong đó việc đảm bảo VSATTP bếp ăn học đường là một trong những tiêu chí hàng đầu, ngay từ đầu mỗi năm học, UBND quận, ban chỉ đạo công tác VSATTP đã xây dựng văn bản yêu cầu Hiệu trưởng, BGH các trường MN, TH, THCS công lập và ngoài công lập, chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thực hiện nghiêm túc các nội dung đảm bảo an toàn VSTP trong trường học.
Bên cạnh đó, tổ chức phổ biến quán triệt kịp thời các quy định và chỉ đạo về ATTP cho CBQL, GV, NV nhà trường và PHHS để nâng cao nhận thức cùng phối hợp, kiểm tra, giám sát bảo đảm tuyệt đối ATTP trong trường học.
Thống nhất trong BGH, Hội đồng sư phạm, Ban đại diện CMHS họp, lựa chọn các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn bán trú, nước uống là những công ty có quy mô lớn, uy tín và thương hiệu, áp dụng công nghệ hiện đại và an toàn trong sản xuất, bao gói vận chuyển, giao nhận và bảo quản. Đảm bảo hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đúng yêu cầu, giá thành cạnh tranh, phù hợp với thị trường (yêu cầu này đối với cả đơn vị liên kết cấp 2 của doanh nghiệp) được ban kiểm soát năng lực các công ty cung cấp thực phẩm trường học của quận thẩm hồ sơ và lựa chọn đưa vào danh sách các công ty đã đủ điều kiện.
Các nhà trường phải rà soát hồ sơ năng lực các đơn vị cung cấp, yêu cầu các sản phẩm bao gói phải đảm bảo có công bố chất lượng sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Thực phẩm phải gắn tem truy xuất hàng hóa và thực hiện kiểm nghiệm, thử nghiệm chứng minh thực phẩm. Nội dung hợp đồng phải rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kinh tế của công ty khi xảy ra sai sót trong quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm để xảy ra ngộ độc thực phẩm…
Bà Nga cho biết: Ngành GD còn yêu cầu các nhà trường xây dựng thực đơn khoa học, phù hợp theo mùa, bảo đảm cân đối các chất và quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn cho HS. Thực hiện nghiêm túc công khai thực đơn, định lượng suất ăn, đơn vị cung ứng thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm. Cập nhật chính xác thông tin trong hồ sơ quản lý công tác bán trú theo quy định ATTP. Lưu giữ bao bì, nhãn mác hàng hóa, lưu nghiệm thức ăn theo quy định. Phối hợp các công ty cung cấp thực phẩm rà soát chỉnh trang bổ sung thêm CSVC trang thiết bị phục vụ công tác bán trú trong trường đảm bảo tiêu chuẩn bếp ăn 1 chiều, hiện đại, bố trí khoa học, sạch sẽ
Phối hợp với ban đại diện CMHS định kỳ, đột xuất giám sát kiểm tra việc cung cấp, chất lượng dịch vụ các công ty. Hiệu trưởng các trường ký cam kết đảm bảo VSATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND quận khi để xảy ra các sự việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm trong nhà trường.
Kiểm soát chặt, an toàn cao
Bà Lê Thị Nga cho rằng: Để hạn chế việc xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học thì mỗi nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến các khâu từ việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín và lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp; kiểm soát nguồn nhận thực phẩm tươi sống đến khâu chế biến, chia và vận chuyển về cho các lớp, trước khi cho trẻ ăn phải đảm bảo quy trình, đảm bảo vệ sinh, có nắp, có vung đậy cẩn thẩn. Đặc biệt là vào mùa có nhiều côn trùng như ruồi, muỗi… các đơn vị tự bổ sung các lưới phòng chống côn trùng, động vật gây hại có thể xâm nhập vào thức ăn của trẻ.
Bà Nga nhấn mạnh: Thực tế, qua các đợt kiểm tra thấy hệ thống các trường học thuộc hệ thống công lập thực hiện tốt nội dung VSATTP bữa ăn học đường. Với hệ thống ngoài công lập, việc cần lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo, thực hiện nghiêm túc việc không bớt xén khẩu phần ăn của trẻ và đảm bảo dây chuyền bếp một chiều vẫn luôn được các cấp quản lý nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị thực hiện.
Ngoài ra, ở một số nơi, công tác kiểm tra, giám sát VSATTP còn lỏng lẻo. Đặc biệt là với các đơn vị cung ứng thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn cho HS… Theo đó, ngành GD yêu cầu các trường kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho HS, căng tin trong trường học tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm… Việc kiểm soát, giám sát càng chặt chẽ thì chất lượng VSATTP càng cao.
Bên cạnh các quy định, cơ chế siết chặt công tác giám sát đảm bảo VSATTP trường học thì yếu tố con người liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này cũng cần được chú trọng. Bà Nga nhận định: Nếu quy trách nhiệm thì đội ngũ CBQL và nhân viên nuôi dưỡng các trường có trách nhiệm cao nhất. Bởi từ khâu kiểm soát, lựa chọn, kiểm tra, giám sát cho đến thực hiện đầy đủ nghiêm túc quy chế chăm sóc nuôi dưỡng, quy định thực hiện dây chuyền bếp 1 chiều… đều cần sự tham gia trực tiếp của CBQL và cô nuôi.
Tuy nhiên, theo bà Nga, để có được lực lượng nhân viên nuôi dưỡng có tay nghề, say với nghề và yên tâm công tác là một vấn đề khó khăn. Bởi đồng lương thấp, áp lực cộng việc nhiều, đa số các trường đều thiếu nhân viên nuôi dưỡng. Vì vậy, việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tramg thiết bị phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng được đầu tư hiện đại, cơ chế chính sách thỏa đáng sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên yêu nghề hơn, có trách nhiệm với việc làm của mình để thực hiện tốt nhất mục đích đảm bảo ATTP, xây dựng bếp ăn học đường an toàn.