Phụ huynh cùng con tìm hiểu môn học tự chọn lớp 10

GD&TĐ - Thời điểm này, ngoài việc đồng hành cùng con trong quá trình ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, phụ huynh bắt đầu tìm hiểu môn học tự chọn theo định hướng nghề nghiệp cho năm học sắp tới.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (Đà Nẵng).
Học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (Đà Nẵng).

Giảm tải cho học sinh

Chị Ngọc Thủy (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rất vui mừng khi biết trong năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 sẽ được tự chọn môn học. “Đây là thuận lợi rất lớn cho những học sinh có thiên hướng rõ ràng về các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Con gái tôi có năng khiếu rõ rệt về các môn xã hội nên gia đình muốn giảm tải những môn học không phục vụ cho định hướng tương lai của cháu”, chị Thủy chia sẻ. Được mẹ trao đổi thông tin về việc chọn môn, Chiêu Anh, con gái chị Thủy rất phấn khởi khi không phải “đánh vật” với các công thức, định luật của môn Vật lý cùng những phản ứng hóa học….

Trong khi đó, chị Đặng Ngọc Hà, phụ huynh của em Hoàng Quang Minh (HS Trường THCS Phan Đình Phùng, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang phân vân giữa việc sẽ chọn nhóm môn khoa học xã hội và nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Theo chị Hà, việc chọn tổ hợp môn tự chọn phải dựa vào khả năng học của con. 

“Chúng tôi không quá đặt nặng việc con phải vào đại học. Con có thể theo học nghề nếu có nguyện vọng. Nhưng nếu học nghề có liên quan đến công nghệ thông tin thì lại phải chọn nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Trong khi đó, môn công nghệ khá là mới mẻ, phụ huynh và học sinh chưa có nhiều thông tin để tìm hiểu”, chị Hà bày tỏ.

Hiểu rõ thế mạnh cũng như sức học của con, chị Ngọc Hà cho rằng: Được lựa chọn các môn học ngay từ lớp 10 sẽ giúp học sinh tập trung vào các môn học theo đúng sở thích và nguyện vọng, loại trừ bớt những môn học, nhóm nghề mà các em không có khả năng theo đuổi. “Điều này sẽ giúp trẻ tiết kiệm thời gian hơn, thậm chí hứng thú học tập cũng sẽ tốt hơn khi không quá bận tâm vào những môn học mà mình còn hạn chế”, chị Hà phân tích.

Gần như phụ huynh đều hướng việc chọn các môn tự chọn dựa theo tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học. Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho rằng: Đây là một trong những căn cứ để nhà trường xây dựng các phương án nhằm chủ động trong việc tổ chức cho học sinh lớp 10 chọn môn học.

Phụ huynh động viên con trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021 - 2022.
Phụ huynh động viên con trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021 - 2022.  

Cần tư vấn chuyên sâu

Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng biết được sở trường, hứng thú và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi vừa kết thúc chương trình học lớp 9. Em Võ Hồng Hải Đăng (học sinh Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: “Em không thật sự giỏi môn nào nên chưa biết sẽ chọn 5 môn tự chọn thiên về nhóm môn nào”. Theo sát quá trình học của con, chị Phan Thị Thắng chia sẻ: “Chúng tôi động viên con chọn theo nhóm môn thuộc khoa học tự nhiên, vì cơ hội tuyển sinh đại học theo tổ hợp môn sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên định hướng nghề nghiệp của con cũng chưa rõ ràng nên gia đình tham khảo thêm ý kiến thầy cô trường THCS trước khi lựa chọn”.

Chị Hoàng Thị Thu Hằng (trú phường An Hải Bắc, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thì băn khoăn liệu học sinh có được sắp xếp lớp theo đúng nguyện vọng đã đăng ký hay không. “Tôi tìm hiểu thông tin từ 2 trường THPT mà con đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và 2 của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới thì thấy những năm trước đây, số học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên khá cao. Từ đây có thể thấy, học sinh sẽ có xu hướng chọn các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Liệu có xảy ra tình trạng học sinh bị “ép” vào những tổ hợp có sẵn”, chị Hằng phân vân.

Học sinh phải chọn 5/8 môn ở 3 nhóm môn, như vậy ở mỗi nhóm sẽ có ít nhất một môn các em không được học ngay từ đầu lớp 10. “Đây là một lựa chọn không dễ dàng bởi sẽ xảy ra tình huống chuyển hướng nghề nghiệp sau khi học xong lớp 10. Cũng có thể lựa chọn từ đầu lớp 10 chỉ mang tính cảm tính, không phù hợp với năng lực hoặc xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm của các em thay đổi khi lên đến lớp 12 thì rất khó có thể làm lại”, chị Hằng phân tích.

Cũng có cùng băn khoăn như chị Hoàng Thị Thu Hằng, chị Phan Thị Thắng rất mong muốn có sự đồng hành của cả trường THCS và trường THPT trong tư vấn lựa chọn môn tự chọn.

“Nếu chỉ có trường THPT thực hiện công tác tư vấn thì các thầy cô chưa nắm được lực học, sở trường của học sinh. Chưa kể là việc tư vấn có thể hướng phụ huynh vào những phương án có sẵn thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí giáo viên của nhà trường nên không hoàn toàn khách quan. Trong khi đó, giáo viên ở bậc THCS thực sự theo sát quá trình học tập cũng như các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sẽ nắm được sở trường, thế mạnh của các em để phối hợp với phụ huynh có những định hướng phù hợp. Gia đình sẽ tham khảo thêm ý kiến của giáo viên chủ nhiệm lớp 9 để tư vấn cho con”, chị Thắng bày tỏ.

Ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục các địa phương đã chỉ đạo tập huấn, đặc biệt với giáo viên lớp 9. Các trường còn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình mới, sao cho cân đối giữa nhu cầu học tập, chọn lựa môn học của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ