Phụ huynh “chạy đua” luyện thi cho con

GD&TĐ - Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép một số trường THCS chất lượng cao và trường ngoài công lập được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6. Thời điểm này, nhiều phụ huynh đã “chạy đua” đăng ký cho con đến các trung tâm luyện thi với mong muốn đạt được kết quả như mong muốn.

Nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội lên kế hoạch thi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2019 - 2020
Nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội lên kế hoạch thi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2019 - 2020

Tìm lớp ôn luyện kiến thức

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, các trường đầu cấp (mầm non, tiểu học, THCS) ở Hà Nội tiếp tục xét tuyển theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Riêng đối với các trường THCS được UBND TP Hà Nội công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương thức tuyển sinh cho trường chuyên chất lượng cao và trường ngoài công lập, chị Lê Thị Thu Hòa (Tựu Liệt, Hà Nội) có con đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Đại Kim vội vàng đến các trung tâm luyện thi để tìm lớp ôn luyện kiến thức cho con với hy vọng con thi đỗ vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Việc thi đánh giá để phân loại HS trong tuyển sinh là cần thiết, tránh tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”, HS có trình độ hạn chế phải “gồng” mình theo học ở các trường đòi hỏi kiến thức cao. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên áp đặt mong muốn, kỳ vọng của mình lên các con, cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng và sức học của con em mình để lựa chọn những trường phù hợp.

Chị Hòa chia sẻ: Năm nay, các trường được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh nên chị quyết định đầu tư cho con học thêm. Theo chị, con học Tiếng Anh khá tốt nhưng chị cũng lo lắng nên cho con ôn thi cho chắc để vào được trường chuyên mong muốn. Đặc biệt, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam năm nào trường này cũng có chỉ tiêu ít nhưng lượng hồ sơ dự tuyển cao vượt gấp hàng chục lần. Để tuyển được học sinh giỏi, chắc chắn năm nay trường sẽ ra đề hóc búa. Dự đoán điều đó có thể xảy ra nên chị quyết định cho con đi học thêm các môn cơ bản.

Chị Nguyễn Thu Hương (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 5 Trường Tiểu học Hoàng Liệt cho biết, năm nay, các trường được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh nên họ như “ngồi trên đống lửa” từ trước Tết. Vì một nhẽ, chị sợ con không ôn thi chắc, khi trường cho thi đánh giá năng lực thì sẽ bị chậm chân, con sẽ không có một chân trong những trường mong muốn.

Không nên tạo áp lực với trẻ

Cha mẹ luôn mong muốn mang đến những điều tốt nhất cho con mình, mong cho con được phát triển toàn diện và trở thành những con người tài giỏi, tự tin. Tuy nhiên, những mong muốn đó nhiều khi đã trở thành áp lực đặt lên vai những đứa bé mới chỉ bước vào giai đoạn thiếu niên.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu Hà Nội nêu quan điểm: Khi chọn trường THCS cho con, phụ huynh còn phải xem xét đến mục tiêu lựa chọn, đào tạo của từng trường để cho con học. Các bậc phụ huynh không nên chạy theo tiêu chí chọn trường chuyên, lớp chọn rồi bắt con học thêm, tham gia các cuộc thi, đi thi hết trường này sang trường khác khiến trẻ rất mệt mỏi, mất thời gian.

Còn theo TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trường nào cũng có ưu điểm và nhược điểm chính vì thế các bậc cha mẹ cần chọn trường phù hợp theo các tiêu chí như khả năng thích ứng của con, môi trường giáo dục, điều kiện của gia đình... GD đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn GD con người.

Trước đó, khi công bố phương án tuyển sinh lớp 6, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: “HS không cần học thêm để làm được bài kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6”. Nội dung hai bài đánh giá năng lực gồm tổ hợp Toán - Khoa học và bài tổ hợp tiếng Việt - Tiếng Anh - Lịch sử - Địa lý thuộc chương trình lớp 5 tiểu học, với kiến thức cơ bản. Đề các môn Khoa học, Lịch sử, Địa lý chỉ ở mức độ nhận thức đơn giản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ