Phù hợp xu thế

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn hướng dẫn biện pháp cách ly đối với F1 đi làm, đi học. Theo đó, F1 đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.

Quyết định của UBND TPHCM đã tháo gỡ được nhiều nút thắt cho nhà trường, học sinh, giáo viên và cả phụ huynh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp. Bởi trước đó, học sinh, giáo viên F1 buộc phải cách ly 5 ngày. Trước ngày 2/3, học sinh muốn đi học lại còn phải ra trung tâm y tế địa phương, bệnh viện để lấy giấy xác nhận. Quy trình xử lý F1 này đã khiến không ít phụ huynh, học sinh lao đao vì tốn tiền test, công sức, thậm chí phải rồng rắn chờ cấp giấy chứng nhận để đi học.

Hay quy định khi xác định được F0, trạm y tế hoặc cơ sở y tế phối hợp với trường xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR cho học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm, thậm chí có giai đoạn phải  xét nghiệm nhanh cho toàn bộ F1 học sinh, giáo viên của lớp có F0. Cách hành xử với F1 này từng khiến nhiều trường rơi vào tình trạng khó khăn vì  không đủ kinh phí mua kit test, thiết bị y tế.

Đặc biệt, thời gian qua, việc thực hiện cách ly học sinh, giáo viên F1 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng dạy học. Thực tế cho thấy, từ khi mở cửa trường, số lượng F0 trong trường học ở các tỉnh thành phát sinh khá lớn. Như TPHCM đã phát hiện gần 100 nghìn học sinh, giáo viên, nhân viên ở các trường học là F0, kéo theo đó là rất nhiều học sinh F1 phải nghỉ học ở nhà.

Đáng chú ý có nhiều em liên tục bị xác định là F1 và phải ngừng đến trường. Do giáo viên F0 nhiều nên một số trường gặp khó khăn về nhân sự.  Tình trạng một số trường, lớp “bỏ rơi” học sinh F0, F1 (để các em tự học) mà phụ huynh phản ánh là có thật. Bởi đa số trường cũng chỉ có vài ba phòng được trang bị hệ thống Internet khá tốt để dạy học 2 trong 1 (vừa trực tiếp, vừa trực tuyến). Các phòng còn lại muốn dạy theo mô hình này, giáo viên phải tự bỏ tiền túi mua cục phát wifi dùng sim 4G, nhưng đường truyền lắm lúc cũng trục trặc.

Sau hơn 2 năm sống cùng Covid-19, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình thực tế, chuyển biện pháp phòng chống từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Bộ Y tế cũng từng xin ý kiến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 về việc cho phép F0, F1 tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến có điều kiện. Như vậy, trong bối cảnh bình thường mới, việc để học sinh, giáo viên F1 đi học, đi làm cũng là xu hướng phù hợp, góp phần giảm nhiều áp lực cho nhà trường lẫn phụ huynh trong việc khoanh vùng học sinh, tổ chức dạy học. Chất lượng giáo dục cũng theo đó được cải thiện.

Tuy vậy, với một bộ phận phụ huynh, việc cho F1 đến trường cũng ít nhiều băn khoăn bởi nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng. Vì thế, vấn đề  quan trọng nhất khi cho F1 đến trường là phải tăng cường bảo đảm an toàn phòng dịch trong các cơ sở giáo dục, tiếp tục linh hoạt trong tổ chức dạy học. Song song với việc nhà trường đẩy mạnh hoạt động của các tổ Covid-19 để theo dõi, cập nhật thông tin F0, F1, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của học sinh và tăng cường sự phối hợp của phụ huynh sau mỗi ngày học, rất cần sự chung tay, góp sức của các ban ngành, cộng đồng để trường học thực hiện được mục tiêu kép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.