Mùi của Hà Nội là gì? Rất khó để diễn tả, và dù tiếng Việt của chúng ta giàu có lẫn phong phú đến bậc nào cũng khó tìm được một từ toàn vẹn để nói về phong vị Hà Nội.
Thật là có những điều, người ta chỉ có thể mường tượng trong đầu cùng những xốn xang nhung nhớ…
Giật mình nhớ về Hà Nội
Hà Nội thường ngày - ồn ào và chật chội, bon chen lẫn đanh đá, nó khiến cho nhiều người cảm thấy bức bối khó chịu. Một cuộc sống cứ mãi xoay vần theo miếng cơm manh áo, làm việc và kiếm tiền, ít có cơ hội sống chậm lại để cảm nhận một Hà Nội xô bồ thì còn đó một Hà Nội văn hiến, hào hoa.
Nếu có hỏi vùng nào trên đất nước ta chịu nhiều cơn binh đao khói lửa? Thì có lẽ, Hà Nội xứng đáng ở ngôi vị đầu. Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, đặt nền móng cho sự thịnh vượng lâu dài. Và rồi sau này, trải dài cả nghìn năm lịch sử với vó ngựa xâm lăng, ngọn lửa binh biến… tưởng chừng chỉ còn một Thăng Long điêu tàn.
Nhưng từ chính những thăng trầm ấy, Hà Nội như vẹn toàn hơn. Từ những danh sĩ thời cuộc, từ những tuấn kiệt trên đời đã bồi đắp thêm cho Hà Nội một tầng văn hiến. Không phải tự nhiên, khách ngoại quốc lại thích thú Hà Nội đến như vậy.
Họ thấy những hào quang mà chúng ta không thấy. Thậm chí, họ yêu mến cả những lộn xộn phố phường, như cách chúng ta thích thú với những nghiêm cẩn ở đất nước văn minh.
Hà Nội là thế! Rất thường khi ta ở, nhưng lại thương nhớ vô cùng khi cách xa. Từ những ồn ào náo nhiệt, từ những bụi bặm phố phường, cho đến những “mùi” rất Hà Nội đều là những ấn tượng trong luyến nhớ mỗi người.
Nhưng có lẽ, thứ khiến cho người ta nhớ nhất và nhận ra riêng biệt nhất của Hà Nội chính là những món ăn. Từ những quán bình dân tới hàng rong trên phố, từ mùi phở đến hương cốm, từ kẻng xe rác đến tiếng rao đêm trầm buồn… tất cả đều như rất nhẫn nại, rất kiên trì, rất miệt mài để tạo nên văn hoá đô thành.
Giật mình nhớ về Hà Nội là nhớ cả những con đường đầy lá vàng rụng, nhớ cả khi nhớp nháp trời mưa và rực vàng tiết trời hạ. Người ta thong dong tản bộ hay vội vàng trên những con phố là cũng đang mang cả dáng hình Hà Nội. Một Hà Nội đầy ắp suy tư, bừa bộn suy nghĩ nhưng rất đáng yêu mà bất kỳ thành phố nào cũng không có được.
Một Sài Thành phồn hoa, một Nha Trang thơ mộng, một Đà Nẵng đáng sống, một Hải Phòng rực đỏ hoa phượng… nhưng Hà Nội như tổng hoà tất cả.
Đẹp từ những thứ bình dị, đáng yêu từ những cách ứng xử thô mộc – chỉ có thể xảy ra ở một thành phố có chiều sâu văn hoá, bề thế lịch sử, trộn lẫn đủ cả những thanh lịch phong nhã và đanh đá thương buôn phố chợ.
Văn hóa nghìn năm thanh lịch
Nhẩn nha quan sát Hà Nội trong tâm thế sống chậm, chúng ta nhận ra Hà Nội không chỉ là nơi đáng sống, mà còn là thành phố đầy ắp những thức quà trời cho.
Ăn quà Hà Nội không đơn thuần chỉ là ăn cho ngon miệng, mà là “ăn” cả văn hoá nghìn năm thanh lịch. Nào phở, nào xôi cho đến xực tắc, lục tào xá… ẩn chìm trong đó không chỉ những huyền tích dân gian mà còn những bí quyết tạo thành ẩm thực.
Phở Hà Nội thì ngon nổi tiếng, từ phở Tư lùn, phở gân Thuỷ, phở Khôi hói đến phở Thìn, phở gà Lâm… đã gây bao thương nhớ cho người Hà Nội. Những bát phở không cần đầy ú hụ nhưng mùi vị phải rất đặc trưng. Ngon ngọt từ nước cốt, dẻo dai từ sợi phở, mềm thơm miếng thịt mỏng tang điểm vào đó những xanh đỏ của lá hành, vòng ớt.
Ôi chao! Người Hà Nội xưa đã biết thưởng thức đến những mỹ vị trời cho mà thanh lịch đến từng cách ăn. Nào ai nghe tiếng xụp xoạt, tóp tép, ừng ực mà tất cả lặng thinh, nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng.
Chỉ khi sống chậm lại, nhớ về Hà Nội mới thấy sự tinh tế đến nhường nào. Xôi không ăn chiều, mùa hè ăn nhiều chè đỗ đen, mùa đông ăn nhiều lạc rang húng lìu.
Đến chuyện bà mẹ đi kén vợ cho con, bỏ qua cô gái bẻ đôi bánh đúc chấm mắm tôm mà chọn cô gái ăn bánh giò chả quế. Có biết ăn ngon mới biết làm giỏi, đó là triết lý nhìn người đầy logic mà rất thực tế của người Hà Nội.
Ăn quà Hà Nội không phải để no bụng, ví như phở cuốn ở Ngũ Xá thì bao nhiêu mới đủ? Hay bánh tôm ở hồ Tây cũng vậy, rồi nộm bò khô, chè đường trong chén quả hồng… Mỗi thức quà mang một ý vị, một cách ăn, một mùa ăn, nhưng bao giờ cũng là ăn thưởng thức, chừa một phần như nói yêu nửa chừng để mà mơ màng, để mà nũng nịu theo đuổi.
Mùa nào thức ấy, ăn đã vậy mà uống cũng tinh tế chẳng kém. Người Hà Nội xưa không chỉ uống trà mộc, mà là trà ướp các loài hoa sen, cúc, nhài, sói, ngâu. Mỗi loại trà lại được ướp với từng loại hoa khác nhau, chứ không phải trà nào cũng ướp được.
Thậm chí, tương truyền các bậc phú quý của Hà Nội xưa thích nhất trà Tàu – loại trà đắt đỏ hái trên núi Vũ Di Sơn. Loại trà này đắt đến độ phải mua bằng vàng - vàng nặng bao nhiêu thì trà nặng bấy nhiêu.
Người xưa cầu kỳ về trà hơn bây giờ, họ chỉ pha vào buổi sáng sớm, thanh tâm. Uống trà không phải để giải khát mà để chắt lọc tinh tuý đất trời, để dưỡng thân tâm cũng như trí tuệ. Bên ấm trà, những câu chuyện về văn hoá, về học thuật với bạn tri kỷ không có hồi kết.
Bây giờ, phong cách uống trà của người Hà Nội đã phôi phai nhiều. Thay vào đó là trà đá vỉa hè, đây cũng lại là một nét đáng yêu, gợi rất nhiều câu chuyện vui – buồn của một Hà Nội mới được hình thành trên nền văn hoá kinh kỳ xưa.