Huy động sức mạnh cộng đồng, đổi mới vùng cao
Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Điện Biên đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tạo sự hưởng ứng tích cực từ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Nổi bật là các phong trào: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", và phong trào đặc biệt chào mừng các sự kiện lớn như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên.
Những chương trình này đã tạo động lực lớn, khơi dậy tinh thần sáng tạo, hăng say lao động, góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS. Nhờ sự kết hợp giữa các phong trào thi đua và chính sách phát triển, tỉnh Điện Biên đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Có thể kể đến như, công tác giảm nghèo được triển khai hiệu quả: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 giảm còn 21,68%, giảm 15,8% so với năm 2018. Đặc biệt, hộ nghèo DTTS chiếm 99,15% tổng số hộ nghèo, cho thấy nhu cầu cần tiếp tục tập trung nguồn lực vào nhóm đối tượng này.
Trong phát triển kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt hơn 15,4 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,51 triệu đồng/người/năm, tăng đáng kể so với 5 năm trước.
Hay như trong xây dựng nông thôn mới: Đến năm 2024, tỉnh có 54 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí bình quân đạt 15,05 tiêu chí/xã.
Các phong trào còn giúp cải thiện cơ sở hạ tầng quan trọng: tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 96,52%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,75%.
Bảo tồn văn hóa, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc
Một trong những điểm sáng của phong trào thi đua yêu nước tại Điện Biên là sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa dân tộc. Các chương trình bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống như xòe Thái, Then của người Tày, Nùng, Thái được quan tâm, gìn giữ. Không những thế, các loại hình nghệ thuật này còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã bảo tồn 20 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hỗ trợ phát triển nhiều nghề truyền thống như làm giày thêu của người Hoa, bánh khẩu xén, và trang phục thổ cẩm.
Những nỗ lực bảo tồn văn hóa đã thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, Điện Biên đón 1,85 triệu lượt khách, tăng hơn 400% so với năm 2021. Du lịch cộng đồng tại 12 bản du lịch đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã huy động hơn 2.500 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo, xây dựng 12.905 căn nhà ở cho các hộ nghèo, thực hiện hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo vào năm 2024.
Phong trào thi đua còn chú trọng giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tổ chức hơn 940 lớp truyền thông với 50.453 lượt người tham gia. Mặc dù còn thách thức, việc triển khai các mô hình giảm thiểu tảo hôn đã nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng
Phong trào thi đua yêu nước cũng góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2024, Điện Biên có 48.044 đảng viên, trong đó 43,7% là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên đạt 66,53%, cho thấy sự vững mạnh từ cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác quốc phòng và an ninh được bảo đảm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các lực lượng quân sự, biên phòng, và công an đã phối hợp bảo vệ đường biên giới dài 455 km, triệt phá thành công nhiều vụ án lớn về ma túy, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định.
Phong trào thi đua yêu nước tại Điện Biên không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm sâu sắc hơn tinh thần đoàn kết dân tộc và niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Những kết quả đáng tự hào trong 5 năm qua là nền tảng vững chắc để vùng đồng bào dân tộc thiểu số Điện Biên tiếp tục tiến bước trên con đường phát triển bền vững.