Phong trào thi đua khuyến học khuyến tài phát triển sâu rộng trên cả nước

Phong trào thi đua khuyến học khuyến tài phát triển sâu rộng trên cả nước

(GD&TĐ) - Ngày  9/10 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ ba 2013.  Đến dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Oanh - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.VS Nguyễn Văn Hiệu; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội nguời Cao tuổi, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng T.Ư Đảng, các tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF...

 

Về dự Đại hội  lần này có 393 đại biểu gồm 174 đại biểu gia đình hiếu học xuất sắc đại diện cho trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, 86 đại biểu xuất sắc đại diện cho gần 6 vạn dòng họ hiếu học, 82 đại biểu xuất sắc đại diện cho 20 vạn cộng đồng khuyến học trong toàn quốc.

Ngoài hoạt động biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học xuất sắc nhất, Đại hội lần thứ ba còn có nhiệm vụ sơ kết 15 năm cuộc vận động cũng như nhìn lại 17 năm xây dựng và phát triển Hội. Đại hội đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam suốt 17 năm qua.(từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam 1996) vừa từ trần, hưởng thọ 103 tuổi. 

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hội Khuyến học VN  Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Mô hình Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học” (GĐHH-DHHH-CĐKH) là một mô hình độc đáo vừa mang đậm truyền thống Việt Nam, vừa thể hiện xu thế của thời đại. Cộng đồng khuyến học minh chứng cho xu thế của thời đại, khi giáo dục vươn ra khỏi nhà trường đi vào xã hội với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, các ban, ngành, các tổ chức và lực lượng xã hội, các cộng đồng.

Tổng kết phong trào thi đua biểu dương GĐHH-DHHH-CĐKH,  GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Sự tăng lên về số lượng các danh hiệu và số đơn vị đăng ký đạt các danh hiệu cho thấy quy mô của phong trào thi đua khuyến học đã tăng lên rất nhanh, đồng thời, phong trào đã bắt rễ và bám chặt vào cộng đồng cơ sở.

Từ Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ I (26/10/2000) đến nay, trải qua 13 năm phát triển, phong trào thi đua chưa bao giờ bị gián đoạn hoặc bị  chùng lại ở bất cứ thời điểm nào. Sắp tới, Đề án thành phần số 7 về "đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư" khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt sẽ thúc đẩy việc triển khai thực hiện phong trào khuyến học khuyến tài ở các địa phương sâu rộng hơn, hiệu quả  hơn”.

*Tại Đại hội thi đua toàn quốc lần này, Trung ương Hội đã  trao tặng cho các tỉnh, thành Hội: 21 Bằng khen có nhiều thành tích; 16 Bằng khen xuất sắc; 26 Cờ thi đua xuất sắc. 324 đại biểu về dự Đại hội được nhận Bằng khen của T.Ư Hội Khuyến học VN.

* MTTQVN  tặng 18 Bằng khen và tiền thưởng cho đại diện của các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu (gồm 6 gia đình, 6 dòng họ, 6 cộng đồng).                                                  

* Bộ GD&ĐT cũng quyết định tặng 24 Bằng khen và tiền thưởng cho 13 gia đình, 4 dòng họ, 7 cộng đồng khuyến học xuất sắc

Kỳ Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ