Phong Thổ, Lai Châu: Mỗi cây, mỗi hoa… cả trường đồng cảnh ngộ

GD&TĐ - Thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất, sau những giờ chăm sóc các bé trên lớp, các cô tại điểm trường Mầm non Sin Suối Hồ lại “hòa mình vào côi cút” để tương lai của đám trò nghèo ngày mai tươi sáng hơn

Cô Thảo cùng học sinh hòa mình trong trang phục dân tộc.
Cô Thảo cùng học sinh hòa mình trong trang phục dân tộc.

Lớp học kiêm phòng trọ!

Trường Mầm non Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 11 điểm trường. Trong đó có 1 điểm trường trung tâm và 10 điểm bản lẻ. Toàn trường có 30 cán bộ, giáo viên (25 giáo viên đứng lớp) với 392 học sinh mầm non.

Huyện Phong Thổ vốn đã khó, Sin Suối Hồ còn khó khăn gấp bội. Ở đây có những điểm trường xa xôi như: Hoàng Trù Văn, Sàng Mà Pho, Chảng Sà Mù, Chảng Phà Hai, Rèn Sung, Trung Hồ... Ở mỗi điểm này chỉ có một cô giáo phụ trách 1 lớp mầm non. Mỗi lớp có khoảng 20 - 30 trẻ mầm non là con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cô Phạm Thao - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Do đặc thù là một tỉnh miền núi nên tại điểm trường gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất đến điều kiện sinh hoạt cho các cô giáo. Hiện các cô cũng chưa được tạo điều kiện để có nơi nghỉ ngơi mà sử dụng một phòng học bỏ trống, kê tạm mấy tấm gỗ, để làm nơi ăn chốn nghỉ sau những giờ lên lớp.

“Nơi sinh hoạt là lớp học được các cô giáo sửa soạn, cải trang lại để cùng nghỉ ngơi. Do điểm trường cách xa trung tâm nên các cô giáo thường nhận đồ ăn từ người nhà gửi lên hoặc đi chợ tích lũy cả tuần để sử dụng. Có những điểm trường, chỉ duy nhất có một cô giáo bám trường, bám bản tại nơi núi rừng heo hút, không sóng điện thoại, không đèn đường...”, cô Thao chia sẻ.

Bên cạnh việc dạy chữ, giáo dục cho trẻ mầm non, các cô như một người mẹ thứ hai của các cháu khi chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Đồng thời, nhiều cô giáo vẫn phải đến tận nhà đón các cháu nhỏ ở xa đến học. Nhiều nơi các cô phải băng rừng, lội suối mất hơn 2 giờ đồng hồ mới có thể đưa các em đến lớp. Cùng với đó, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, các cô giáo tự tìm kiếm nguyên vật liệu có sẵn và sáng tạo để làm vật dụng, giáo cụ, đồ chơi cho các con.

Hầu hết, giáo viên đều xa gia đình, chồng con, thiếu thốn tình cảm nhưng bằng tình yêu và lòng đam mê gieo chữ trên vùng đất rẻo cao nghèo khó, nhiều cô giáo coi trường học như ngôi nhà thứ hai của mình.  

“Dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều cô giáo phải xa chồng, xa con để bám trường, bám bản bởi các cô đều hiểu nếu như không gắn bó với bà con, đồng bào dân tộc thiểu số và các em học sinh ở đây thì sẽ không có ai thay thế để dạy chữ cho các con. Bởi thế, các cô đều động viên cùng nhau cố gắng vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để bám bản, bám trường” cô Phạm Thao cho biết thêm. 

“Thảo công chúa” bỏ lên rừng

Cô giáo Vũ Phương Thảo cùng các trò nhỏ.
Cô giáo Vũ Phương Thảo cùng các trò nhỏ.

Câu chuyện của cô giáo Vũ Phương Thảo (SN 1997) khiến nhiều người thực sự cảm động. Cũng là một “công chúa”, sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, Thảo sớm đam mê và theo đuổi ước mơ dạy chữ. Thảo đã tình nguyện bỏ phố, lên rừng để dạy chữ cũng chỉ bởi đã nuôi đam mê và sẽ theo đuổi đam mê.

“Ban đầu cô Thảo được phân công công tác tại một trường thuận lợi. Song chính bản thân cô ấy cảm thông với ngành, thương cảm với hoàn cảnh của các con học sinh vùng cao nên cô đã tình nguyện lên điểm bản khó khăn để công tác. Chính điều này đã khiến cho các thầy cô có thêm động lực, quyết tâm để bám bản, bám trò”, thầy giáo Nguyễn Vương Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ bộc bạch.

Hiệu trường nhà trường cho biết, Thảo là người tâm huyết, yêu trẻ, yêu các con và là người năng động trong các phong trào múa hát của trường, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc trẻ, tâm huyết, nhiệt tình. 

Tâm sự cơ duyên gắn bó với những điểm trường xa xôi nơi núi rừng Tây Bắc, cô Thảo cho biết, sau khi Tốt nghiệp THPT, Thảo thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội và mơ ước có một công việc ở Thủ đô. Thế nhưng, một bước ngoặt lớn từ gia đình khiến cô chuyển công tác ở một trường mầm non biên giới huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Ngày đến nhận công tác, Thảo hoang mang khi càng đi càng heo hút, không thấy nhà cửa, phía trước chỉ là con đường đất, một bên là núi, một bên là vực. Lần đầu nhìn thấy trường, thấy lớp rồi nhìn học sinh, Thảo bắt đầu sợ hãi và muốn bỏ về nhà. 

“Lúc đó, em chỉ muốn bỏ về nhà. Em bật khóc vì nhớ nhà. Dẫu đã tưởng tượng trước sự vất vả, khó khăn nơi vùng cao hẻo lánh nhưng em không ngờ cuộc sống thực tế lại khắc nghiệt gấp nhiều lần như vậy”, cô giáo Thảo tâm sự.

Khi công tác được hơn một năm, Thảo quen dần với cuộc sống vùng cao và chủ động xin đi dạy ở điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất của xã Mù Sang (ngôi trường lần đầu đến công tác).

“Sự hi sinh của các thầy cô tại các điểm trường không ngôn từ nào có thể kể hết. Một chị đồng nghiệp của tôi tại điểm trường ở xã Mù Sang tâm sự: Chừng 10 năm trước vào những ngày mưa rét, một mình chị lóc cóc đi xe máy từ nhà lên các điểm trường cheo leo, gặp những đoạn đường sạt lở, tự mình phải kê những viên gạch để xe băng qua…”, Thảo kể lại. 

Tại nơi này, với tình yêu và tâm huyết của những thầy cô đi trước đã khiến cô giáo trẻ Vũ Phương Thảo ngưỡng mộ bởi sự cống hiến của các thầy cô. Cùng với đó, một động lực để Thảo bền bỉ bám trường, bám bản đó là dù nghèo khó, thiếu thốn, nhưng trái tim nhiệt tình của đồng bào, người dân ở đây chưa bao giờ thiếu. Có nải chuối, cái bánh dày, phụ huynh cũng mang đến cho cô giáo.

Tại Trường Mầm non Sin Suối Hồ, cô Thảo được phân công dạy lớp 2 - 3 tuổi, có 22 em bé là đồng bào dân tộc Mông, Mường, Dao. Điều quan trọng nhất giúp cô theo và thêm yêu nghề đó là lòng kiên trì và tình cảm thực sự với bọn trẻ vùng cao. Bởi nếu không thế sẽ không thể trụ lại nơi đây. 

“Nghề giáo đến với em là một cơ duyên. Tương lai còn rất dài phía trước nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, em tự nhủ sẽ học hỏi từ các thầy cô đồng nghiệp đi trước để hoàn thiện bản thân, để cống hiến, gieo những con chữ đến trẻ em vùng cao. Nhìn các con lớn khôn mỗi ngày, em thấy hạnh phúc lắm và luôn coi đó là động lực để phấn đấu bước tiếp”, cô Thảo tủm tỉm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.