Phong Thổ đa dạng hóa hình thức hỗ trợ người dân thoát nghèo

GD&TĐ - Bằng nhiều hình thức hỗ trợ người dân trong vươn lên trong cuộc sống, huyện Phong Thổ (Lai Châu) quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025.

Người dân thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.
Người dân thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Cụ thể hoá nghị quyết giảm nghèo

Là huyện vùng cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ tích cực của cấp trên, đến thời điểm này Phong Thổ đang thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn (12 xã biên giới đặc biệt khó khăn). Nơi đây, phần lớn người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế, đời sống khó khăn; kết cấu hạ tầng dù được quan tâm nhưng chưa đồng bộ…

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ huyện Phong Thổ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, UBND huyện trình Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 22/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.

Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Với chủ trương của tỉnh và huyện "đưa Phong Thổ thoát nghèo vào năm 2025", sau khi có Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, quán triệt chủ trương đến toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, xã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Lựa chọn nội dung để tập trung hỗ trợ cho người dân. Trong đó, phân định rõ các đối tượng hộ nghèo”.

phong_tho_3.jpg
Người dân xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ có thu nhập cao từ trồng khoai sọ.

“Chúng tôi lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Những hộ thiếu nguồn lực thì tập trung hỗ trợ nguồn lực về sản xuất và nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, thoát nghèo” – ông Trần Bảo Trung cho biết thêm.

Tính riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2023, tổng dự toán vốn giao thực hiện của huyện Phong Thổ trên 162 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 121 tỷ đồng (vốn kéo dài năm 2022 sang trên 5.2 tỷ đồng); vốn sự nghiệp hơn 41 tỷ đồng (vốn chuyển nguồn năm 2022 gần 7.8 tỷ đồng).

Trên cơ sở những nguồn lực hỗ trợ, UBND huyện Phong Thổ đã cụ thể hóa Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện. Ban hành kế hoạch thực hiện giảm nghèo tập trung vào các nội dung: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm; nâng cao thu nhập cho người dân và giảm các xã đặc biệt khó khăn.

UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhất là triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất.

Theo ông Tẩn Chin Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, xã xác định nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo là một tiêu chí quan trọng. Do đó, hàng năm, toàn xã phấn đấu giảm nghèo từ 4 – 5%. "Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tập trung vận động những hộ có điều kiện để thoát nghèo. Với những kế hoạch, nỗ lực của cả hệ thống chính quyền và sự đồng thuận của người dân tôi sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt mục tiêu giảm nghèo hàng năm. Qua đó, phấn đấu đến hết 2025 hoàn thành kế hoạch Nghị quyết đại hội Đảng bộ đề ra”, ông Lùng nói.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Bằng các nguồn lực, huyện Phong Thổ cũng đa dạng hình thức hỗ trợ để chương trình giảm nghèo được triển khai thực chất, phù hợp với đối tượng thụ hưởng. Có thể kể đến việc 375 hộ tại các xã: Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So, Khổng Lào được huyện hỗ trợ phát triển sản xuất dong riềng, khoai sọ theo chuỗi giá trị (từ chương trình nông thôn mới) với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng.

Hay như 1.902 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cây giống, máy cày bừa theo Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.

Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung do huyện Phong Thổ triển khai cũng đã có hàng trăm hộ gia đình, nhiều nhóm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ trồng mới chè, cây ăn quả, địa lan, sản xuất lúa hàng hóa, nuôi ong, hỗ trợ làm chuồng trại tập trung, tổng kinh phí hỗ trợ trên 26,6 tỷ đồng.

“Việc triển khai phát triển sản xuất đã tạo ra các sản phẩm chủ lực của địa phương, bước đầu hình thành một số chuỗi giá trị liên kết sản xuất. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung, giá trị sản xuất ngày càng tăng” – ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ chia sẻ.

phong_tho_1.jpg
Người dân xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ trồng địa lan để nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, huyện Phong Thổ còn quan tâm, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Địa phương này cũng tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, huy động các nguồn để cho 1.146 lao động vay giải quyết việc làm, 313 lao động vay xuất khẩu lao động.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đào tạo nghề cho 2.550 lao động, giải quyết việc làm cho 2.700 người. Sau đào tạo các lao động đã áp dụng kỹ thuật, kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi hoặc đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, một số đi xuất khẩu lao động, có thu nhập ổn định. Về nhà ở, huyện đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.523 hộ với tổng số nguồn vốn là trên 73 tỷ đồng.

Bên cạnh việc nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện Phong Thổ còn phấn đấu xây dựng 3 xã: Hoang Thèn, Bản Lang, Lản Nhì Thàng đạt tiêu chí nông thôn mới, ra khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Đến nay, 2 xã: Bản Lang, Hoang Thèn đạt 17/19 tiêu chí, xã Lản Nhì Thàng đạt 14/19 tiêu chí. Quá trình xây dựng nông thôn mới giúp cho diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân dần được cải thiện.

Chính những điều này đã giúp cho đời sống người dân ổn định; thu nhập bình quân đầu người của huyện năm sau cao hơn năm trước. Trên địa bàn huyện xuất hiện những xã có thu nhập bình quân đầu người cao như: Mồ Sì San, Bản Lang. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo đúng kế hoạch.

Nếu như năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 43,8% thì đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 32,5%. Huyện Phong Thổ phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 27%.

“Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, huyện Phong Thổ đã có bước tiến vượt bậc, mang đến những chuyển biến tích cực cho địa phương. Tin tưởng, kết quả này sẽ là động lực để huyện tiếp tục bứt phá và về đích theo đúng kế hoạch đề ra là đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025” – ông Vũ Bảo Trung phấn khởi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ