Phòng ngừa chứng đau đầu do bệnh lý thần kinh

Đau đầu là chứng bệnh hay gặp và để lại nhiều phiền toái cho người bệnh.

Tinh thần thoải mái là liều thuốc tốt nhất để phòng bệnh đau đầu.
Tinh thần thoải mái là liều thuốc tốt nhất để phòng bệnh đau đầu.

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu. Đau đầu cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, trong đó có các bệnh lý thần kinh.

Nguyên nhân thường gặp là gì?

Đau đầu là triệu chứng do nhiều chứng bệnh khác nhau gây ra. Đau đầu là do sự xáo động trong các cấu trúc nhạy cảm đau trong đầu. Bản thân bộ não không nhạy cảm với đau, vì nó không có thụ thể cảm nhận đau.

Một số vùng trên đầu và cổ có các cấu trúc nhạy cảm đau. Các cấu trúc đó được chia làm 2 loại: trong sọ (mạch máu, màng não, các dây thần kinh sọ) và ngoài sọ (màng ngoài xương sọ, cơ, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch, mô dưới da, mắt, tai, xoang và niêm mạc).

Do nhiều nguyên nhân về môi trường, cuộc sống ảnh hưởng đến tinh thần tạo nên những cơn đau nhức đầu. Đau đầu có khi chỉ thoáng qua nên dễ bị người bệnh bỏ qua, hoặc cũng có thể nó là một trong những triệu chứng của bệnh lý thần kinh và thường đau kéo dài. So với các chứng đau đầu khác, đau đầu do các bệnh lý thần kinh có những dấu hiệu để nhận biết sớm.

Những dạng đau đầu liên quan đến bệnh lý thần kinh

Đau đầu do tăng huyết áp: Chứng đau đầu do tăng huyết áp thường gặp ở người có bệnh lý tăng huyết áp, đi kèm yếu tố hay bị căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống, thì nguy cơ đau đầu càng cao.

Chứng đau đầu này thường đột ngột, dữ dội. Đau đầu khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán. Bệnh nhân có cảm giác cứng các cơ gáy, đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán, thường đau nhiều về ban đêm.

Nguyên nhân đau đầu ở bệnh nhân tăng huyết áp là do áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch tăng làm cho thành mạch bị giãn dần ra và xuất hiện những tổn thương.

Những tổn thương này ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não gây ra hiện tượng đau đầu.

Bệnh nếu để muộn dễ gây ra các biến chứng tắc mạch máu não... Người bệnh tăng huyết áp cần cảnh giác với những cơn đau đầu, để phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Đau đầu do u não: Chứng đau đầu do u não rất đáng sợ. Người bệnh bị u não, do u gây tăng áp lực nội sọ nên đau đầu ở giai đoạn đầu thường âm ỉ, kéo dài.

Giai đoạn sau kèm buồn nôn, giảm thị lực hoặc các dấu hiệu của thần kinh khu trú như liệt chi thể, liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ. Lúc này là đau đầu liên tục dữ dội và uống thuốc giảm đau cũng không giảm.

Đau đầu do viêm màng não: Viêm màng não là bệnh do virut, vi khuẩn gây ra. Nếu do virut gây nên thì bệnh có thể khỏi trong vòng vài ngày còn nếu là vi khuẩn gây nên thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn tiến trầm trọng.

Đau đầu nghiêm trọng là một triệu chứng của bệnh viêm màng não. Ban đầu cơn đau đầu chỉ ở mức độ vừa nhưng tăng dần cường độ. Sau đó người bệnh thấy đau đầu dữ dội, uống thuốc không giảm, kèm các biểu hiện cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao.

Đau đầu do dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Những dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não. Đây là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm.

Dị dạng mạch máu não có thể gây ra xuất huyết não, động kinh, nặng có thể hôn mê và tử vong. Nếu bạn còn trẻ tuổi hay bị đau đầu dữ dội, đã đi khám bệnh và dùng nhiều loại thuốc không có kết quả, có thể bạn mắc phải chứng dị dạng mạch máu não.

Trong trường hợp này, bạn cần đi chụp mạch não để xác định chẩn đoán. Đau đầu là một triệu chứng của bệnh lý dị dạng mạch máu não. Cơn đau có diễn tiến âm ỉ, dai dẳng, đôi khi bùng lên cơn đau dữ dội có thể kèm theo liệt run.

Đau đầu do xuất huyết não (đột quỵ): Đây là dạng đau đầu đột ngột, cơn đau dồn dập khủng khiếp và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh.

Xuất huyết não là bệnh khởi phát đột ngột và dữ dội. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết não ngay trong lúc làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí ngay cả trong lúc ngủ cũng có thể hứng chịu cơn xuất huyết não.

Người bệnh nên làm gì khi bị đau đầu?

Đau đầu là chứng bệnh hay gặp, đồng thời cũng dễ bị người bệnh bỏ qua và coi đó là bệnh lặt vặt. Tuy nhiên, chứng đau đầu có các biểu hiện khác nhau và người bệnh cần phân biệt được các dấu hiệu đau do bệnh lý.

Khi bị đau đầu mà cơn đau đầu ngày càng dữ dội với mức độ tăng dần thì người bệnh cần cảnh giác và nên nghĩ đến chứng đau đầu đi kèm bệnh lý và nên đi khám bác sĩ ngay, làm các thăm dò chức năng cần thiết để xác định bệnh và có liệu pháp điều trị phù hợp.

Để việc điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc điều trị đau đầu dạng này, vì với các bệnh lý thần kinh của não bộ, việc dùng thuốc bừa bãi sẽ để lại hậu quả lâu dài, không thể lường hết được.

Dùng thuốc bừa bãi khiến bệnh không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng hơn, rất nguy hiểm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bên cạnh việc dùng thuốc, để phòng chứng đau đầu (vì bất kỳ nguyên nhân gì), người bệnh cần lưu ý các liệu pháp như: cần sự thay đổi lối sống, cách làm việc hiệu quả, tinh thần thoải mái là liều thuốc tốt nhất để phòng bệnh.

Việc thay đổi lối sống cần áp dụng đầu tiên là ăn chế độ ăn lành mạnh và giữ cân nặng hợp lý, trong tầm kiểm soát. Người bệnh cũng cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn, tránh ăn những thức ăn có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu (tôm, cua, cá, sò, ốc, chocolate, ca cao, pho mát, bơ hoặc uống một số thức uống có cồn).

Những người có hút thuốc, uống rượu, béo phì... thường có khuynh hướng dễ bị đau đầu hơn. Nếu trong cuộc sống không thể tránh khỏi stress, bạn hãy học cách khắc phục và hóa giải stress tốt hơn.

Nên giảm áp lực công việc, tránh những căng thẳng, cố gắng giữ cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời. Chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, đi bộ, yoga, dưỡng sinh, khí công...

Hãy học cách thư giãn, thể dục nhẹ trước khi đi ngủ để có giấc ngủ tốt hơn, cố gắng ngủ đúng giờ, tránh ngủ ngày quá nhiều để có được giấc ngủ ngon và phòng ngừa đau đầu hiệu quả.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ