Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (49 tuổi) ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tới Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thăm khám do đại tiện ra máu đỏ tươi tái phát nhiều lần.
Qua nội soi dạ dày, tá tràng, các bác sĩ phát hiện hàng trăm con giun móc đang “trú ngụ” thành tá tràng của bệnh nhân.
Trước đó, các bác sĩ nhận thấy người bệnh suy kiệt, thiếu máu nhiều, phân nhầy máu mũi, từng đợt đại tiện có máu đỏ tươi và máu cục. Người bệnh đã phải truyền một lít máu. Để tìm rõ nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa, người bệnh được chỉ định nội soi dạ dày - tá tràng và đại tràng.
Kết quả nội soi cho thấy, thành tá tràng của người bệnh có những con giun móc rất nhỏ bám chặt. Tại khu vực trực tràng, đại tràng, rất nhiều con giun tròn màu trắng bám ở niêm mạc, có những chỗ giun cuộn vào nhau tạo thành búi. Niêm mạc đại tràng toàn bộ bị phù nề, xung huyết, có chỗ rỉ máu. Sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ của người bệnh dần ổn định.
BSCKII Đinh Thị Ánh Nguyệt, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Việc giun xuất hiện, tạo thành từng búi bám chặt trong dạ dày, đại tràng của người bệnh T là nguyên nhân chính gây chảy máu đường tiêu hóa và thiếu máu mạn tính. Uớc tính mỗi ngày, 1 con giun móc có thể làm người bệnh mất đi khoảng 3 ml máu kèm theo những triệu chứng nguy hiểm như: Đại tiện ra máu, suy kiệt cơ thể...”.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhiễm giun bao gồm da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị, chán ăn, khó tiêu. Khi ấu trùng xuyên qua da, có thể xuất hiện viêm da, ngứa và nốt đỏ kéo dài 1 - 2 ngày.
Xuất huyết tiêu hóa do giun ký sinh trong lòng ruột là tình trạng không còn phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xuất hiện nếu mọi người không đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ. Khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường, người dân cần đến ngay những cơ sở y tế chuyên sâu để được phát hiện và điều trị kịp thời.