Thông tin về việc B-2 sử dụng GBU-57/B tập kích Houthi đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận sau đó và khẳng định phi đội B-2 chưa từng thả quả GBU-57/B nào xuống Yemen trong chiến dịch đối phó Houthi.
Mặc dù vậy, cơ quan này khẳng định GBU-57/B là một trong những vũ khí phi hạt nhân có uy lực và tính răn đe lớn nhất của nước Mỹ, nhưng kho dự trữ hiện vẫn tương đối nhỏ, khiến Washington chưa sẵn sàng triển khai chúng cho nhiệm vụ tấn công Houthi.
Về cấu tạo, mỗi quả GBU-57/B có chiều dài 6 m, đường kính thân 0,8 m và khối lượng gần 14 tấn. Đây là loại bom phi hạt nhân nặng nhất và có kích thước lớn thứ hai trong kho vũ khí của Mỹ, với chiều dài chỉ thua kém mẫu GBU-43 MOAB với biệt danh "Mẹ của các loại bom".
Không quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm GBU-57/B từ năm 2004, lô đầu tiên được nhà thầu quốc phòng Boeing bàn giao cho quân đội Mỹ năm 2011. Washington không công bố số lượng bom GBU-57/B trong kho dự trữ, song giới chuyên gia nhận định nước này đang sở hữu khoảng 20 quả.
Siêu bom GBU-57/B được thiết kế để trang bị dành riêng cho oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit và sắp tới là B-21 Raider. Hình ảnh về loại bom này trong diễn tập và chiến đấu luôn được giữ kín, cho tới khi không quân Mỹ công bố video một chiếc B-2 thả bom GBU-57/B trong cuộc diễn tập năm 2017.
Bom GBU-57/B sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GPS để tập kích chính xác mục tiêu. Vũ khí này được trang bị ngòi nổ chậm, cho phép phát nổ sau khi xuyên qua lớp đất đá hoặc bê tông dày, đảm bảo gây sát thương tối đa cho các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.
Nhà sản xuất Boeing tiết lộ mỗi quả GBU-57/B có khả năng xuyên qua 60 m bê tông cốt thép thông thường. Với bê tông cường lực, khả năng xuyên phá của bom MOP giảm xuống còn 8 m.
Trang quân sự Global Security có trụ sở ở Washington cho hay: "GBU-57/B MOP được thiết kế để xuyên sâu hơn mọi mẫu bom phá hầm hiện có trong biên chế Mỹ, đủ sức phá hủy khoảng 25% mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất trên toàn thế giới".
Đầu đạn của bom chứa 2,4 tấn thuốc nổ, gồm hỗn hợp AFX-757 và PBXN-114, được thiết kế tối ưu cho các vụ nổ trong không gian kín. Phần thân vỏ làm bằng thép hợp kim có khả năng chịu lực va chạm lớn trong quá trình xuyên phá.
"Ngay cả khi không chạm tới hầm ngầm, sức công phá của bom vẫn đủ sức làm sập lối đi và cắt đứt đường dây liên lạc với mặt đất", chuyên gia Stavros Atlamazoglou viết trên chuyên trang quân sự National Interest.
Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng, một trong những hạn chế của GBU-57/B là không có ngòi nhận biết khoảng không, khiến nó chỉ được kích nổ sau khi dừng hẳn. Khi kết hợp với sức xuyên phá mạnh, quả bom có thể lao qua mục tiêu và kích hoạt ở sâu trong lòng đất, thay vì phát nổ đúng khu vực hầm ngầm và gây thiệt hại tối đa.
Cùng với đó, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick viết trên War Zone rằng: "Nếu muốn sử dụng bom GBU-57/B nhằm vào mục tiêu ở Yemen, không quân Mỹ sẽ phải cân nhắc để bảo đảm vẫn đủ bom dự trữ trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hơn".
Một trong các trường hợp được đề cập là khi xung đột bùng phát giữa Mỹ và Iran, quốc gia đang vận hành hàng trăm căn cứ ngầm trên khắp lãnh thổ và đây cũng là mục tiêu ban đầu khi GBU-57/B ra đời.
"Mỹ phải để dành những vũ khí quý giá như GBU-57/B cho các mục tiêu cấp thiết nếu bùng phát xung đột với Iran", chuyên gia Trevithick nêu quan điểm.
Những thông tin về GBU-57/B rất ấn tượng nhưng vũ khí này đã không chứng minh được sức mạnh như nhà sản xuất Boeing tiết lộ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc hồi cuối năm 2012, bom xuyên boongke GBU-57/B không đủ khả năng để phá hủy các cơ sở hạt nhân trong lòng đất của Iran.
Để khắc phục điều này, Lầu Năm Góc đã gửi yêu cầu tăng ngân sách tài trợ cho chương trình tới Quốc hội Mỹ, nhằm nâng cao khả năng xuyên phá trước khi phát nổ của GBU-57/B. Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.