Phòng học bộ môn - nhu cầu bức thiết vùng sông nước

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 đi được nửa chặng đường nhưng nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn gặp khó khăn...

Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 nên nhu cầu phòng học bộ môn càng cấp thiết.
Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 nên nhu cầu phòng học bộ môn càng cấp thiết.

Khó khăn lớn có thể kể tới là thiếu phòng học bộ môn, trong đó đặc biệt là phòng Tin học và Ngoại ngữ.

Chỉ đạt 2,7 phòng học bộ môn/trường

Các tỉnh ĐBSCL hiện có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non, 5.671 cơ sở giáo dục tiểu học, 1.380 cơ sở giáo dục THCS và 350 cơ sở giáo dục THPT. Vùng có 92.912 phòng học các cấp; trong đó, số phòng học kiên cố là 75.746 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 81,5%.

Tình trạng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn diễn ra. Cụ thể, cấp học mầm non còn thiếu khoảng 587 phòng học và cấp tiểu học thiếu khoảng 3.226 phòng học để đạt tỷ lệ 1 lớp/phòng đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, chưa tính đến số lớp, phòng học để bảo đảm số học sinh/lớp theo quy định. Ở khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn còn 1.279 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Đặc biệt, phòng học bộ môn là khó khăn chung của nhiều địa phương trong vùng. Chương trình GDPT 2018 với môn Tin học và Ngoại ngữ bắt buộc từ tiểu học nhưng số phòng Tin học trong vùng là 2.467 phòng, tương đương 78,6% số trường có phòng học bộ môn Tin học; số phòng học Ngoại ngữ là 2.777 phòng, đạt 48,5%.

Tính trung bình vùng ĐBSCL mới chỉ đạt 2,7 phòng học bộ môn/trường. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 13/2020 của Bộ GD&ĐT, mỗi trường tiểu học có 6 phòng học bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Đa chức năng).

Thiếu phòng học bộ môn làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành (Trà Vinh), cho biết: Trường còn thiếu thiết bị phòng học Ngoại ngữ. Nếu có phương tiện dạy học đầy đủ, học sinh được học tập và rèn luyện tốt hơn, nhất là kỹ năng nghe - nói, giúp các em yêu thích, hứng thú với môn học.

Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, trong phòng Tin học, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt phần mềm mới. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tổng số phòng học ở cấp học mầm non và phổ thông trong tỉnh là 6.743; trong đó, phòng học kiên cố 4.492, tỷ lệ 66,61%; phòng học bán kiên cố 2.251 phòng, tỷ lệ 33,38%. Một trong những khó khăn của ngành Giáo dục địa phương là thiếu phòng học chức năng (Giáo dục nghệ thuật, Tin học, Ngoại ngữ…).

Do kinh phí hạn chế nên việc đầu tư lắp đặt phòng học Tin học, Tiếng Anh cần có thời gian dài để thực hiện. Nhận định của ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phòng chức năng như y tế, học đường, thí nghiệm… là nhu cầu bức thiết của tỉnh.

Phòng học bộ môn Tin học Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Phòng học bộ môn Tin học Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Cần cơ chế đặc thù

Năm học 2022 - 2023, Trà Vinh có 427 đơn vị trường học với 215.389 học sinh. Về cơ sở vật chất trường lớp, tỉnh có 6.278 phòng học (lý thuyết); 588 phòng học bộ môn; 1.163 phòng phục vụ học tập. Trong đó, số phòng xây dựng kiên cố là 7.601 (92,94%), bán kiên cố 577 (7,06%).

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, cơ sở vật chất trường học hiện có chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhiều trường chưa đủ số phòng học bộ môn, khu phục vụ học tập, hiệu bộ so với quy định về chuẩn cơ sở vật chất trường học hiện hành, nhất là các trường vùng nông thôn, vùng khó.

Về trang thiết bị trường học, năm 2021 - 2022, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 cho khối lớp 1, lớp 2 và các phòng Ngoại ngữ, Tin học cấp THCS. Về cơ bản, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho khối lớp 1, 2 và thiết bị phòng bộ môn Ngoại ngữ, Tin học đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục. Trong năm 2023, tỉnh tổ chức lập dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp còn lại của cấp tiểu học, THCS và THPT.

Tiền Giang đã quan tâm đầu tư, bố trí nguồn vốn để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2018. Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương và nguồn vốn huy động khác, tỉnh đã trang bị 313 phòng máy vi tính, với 7.428 máy; 313 máy in và các thiết bị nối mạng cho phòng máy; 2.409 máy chiếu

(projector) kết nối với máy vi tính được lắp đặt cố định tại các phòng học, phòng học bộ môn cho các trường mầm non, phổ thông… Tuy nhiên, theo lãnh đạo sở GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục phổ thông chưa đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh theo lộ trình đối với các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Nhiều đơn vị thiếu trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng Tin học để tổ chức dạy học các môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Trao đổi giải pháp tháo gỡ khó khăn, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, để giáo dục ĐBSCL đạt kết quả cao hơn, đặc biệt trong việc huy động trẻ, thực hiện phổ cập cũng như chuẩn quốc gia phải quan tâm, đầu tư ở mức cao nhất, tốt nhất có thể; rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non cho đến phổ thông…

Thiếu phòng học bộ môn được nhận định do nguồn lực phát triển của địa phương còn hạn chế nên cơ sở vật chất chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu. Mạng lưới trường, lớp học tuy được quy hoạch, điều chỉnh nhưng chưa thật sự hợp lý, còn nhiều điểm lẻ nên khó khăn trong việc quản lý, điều chỉnh và đầu tư phát triển. Do vùng ĐBSCL có nhiều sông nước kênh rạch, hệ đất nền yếu, do đó việc đầu tư cơ sở vật chất tốn kém và khó khăn hơn so với vùng khác trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ