Dạy học ở phòng bộ môn: Lợi cả trò và thầy

GD&TĐ- Thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông cho thấy, không một môi trường dạy - học nào mà HS có cơ hội hoạt động nhiều như ở phòng học bộ môn.

Một giờ học ở phòng bộ môn của HS Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)
Một giờ học ở phòng bộ môn của HS Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Ngoài việc rèn luyện được kỹ năng thực hành cùng một số kỹ năng mềm khác, ở một mức độ nào đó, HS còn chủ động trong việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức. Nhờ các phương tiện dạy học hiện đại, GV cũng có điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm.

Xóa bỏ dạy chay - học chay

Tiết học cho bài “Mạch điện xoay chiều chỉ chứa tụ điện” của chương trình Vật lý lớp 12 được tổ chức tại phòng học bộ môn Vật lý. Thầy Đinh Công Viên (GV Vật lý, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) tổ chức lớp học theo phương pháp hoạt động góc với 4 nhóm. Mỗi góc sẽ được giáo viên phát các phiếu học tập cùng với những nhiệm vụ cụ thể để ghi kết quả các thí nghiệm cùng những nhận xét của nhóm.

Với mỗi góc, GV phải giới thiệu tương đối cụ thể về mục tiêu, thiết bị, nhiệm vụ, kết quả và trình bày. “Mỗi nhóm HS phải làm việc tại một góc, sau khoảng 15 phút sẽ di chuyển sang góc khác để có thể thực hiện đầy đủ các thí nghiệm thực và thí nghiệm ảo của tiết học” - thầy Viên cho biết.

Đánh giá về hiệu quả của tiết học, thầy Nguyễn Huy Bính - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: “HS rất hào hứng với giờ học vì ngoài việc được quan sát kỹ các thí nghiệm biểu diễn của GV, các em còn được trực tiếp làm các thí nghiệm thực hành, tự rút ra bài học thông qua kết quả thu được. Kiến thức mà các em tiếp nhận được vì thế cũng được khắc sâu hơn.

Tất nhiên là để một tiết dạy - học ở phòng học bộ môn thành công thì trước mỗi tiết dạy đòi hỏi GV phải có sự chuẩn bị chu đáo từ đồ dùng, thiết bị dạy học, làm trước thí nghiệm… Thay vào đó, khi lên lớp, các hoạt động của GV sẽ được tiết giảm so với dạy - học ở phòng truyền thống.

Phòng học bộ môn được trang bị đầy đủ phương tiện nghe nhìn, thiết bị… nên GV được hỗ trợ rất nhiều trong soạn - giảng”. Còn theo thầy Viên thì ngoài các kiến thức, kỹ năng thực hành của bộ môn, HS còn có cơ hội hình thành và tích lũy các kỹ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và cả thái độ nghiêm túc, trung thực trong thực hiện nhiệm vụ, đo đạc và xử lý số liệu…

 

Tiệm cận với công nghệ tự động hóa

Trong năm học 2018 - 2019 này, Đà Nẵng đã đầu tư 21 tỷ đồng để mua sắm thiết bị thí nghiệm cảm biến cho phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho các trường THPT. Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên ngay sau khi bàn giao thiết bị thí nghiệm cho các trường.

Với bộ dụng cụ này, các tiết học thực hành, thí nghiệm có thể mở rộng ngoài không gian của phòng học bộ môn để kết hợp với các hoạt động ngoại khóa hoặc các giờ học thực địa. Hoạt động này nhằm xây dựng hệ thống phòng học bộ môn đạt chuẩn đủ về số lượng cho mỗi trường trung học và có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại. Đồng thời cũng giúp giáo viên và HS bước đầu làm quen với công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, nói như cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng thì đầu tư trang thiết bị hiện đại đòi hỏi GV cũng phải tự nâng chuẩn, cập nhật các kiến thức mới để có thể khai thác hết hiệu quả cũng như tính năng sử dụng của trang thiết bị. Như hiện nay, Đà Nẵng đang thí điểm triển khai sử dụng bảng tương tác thông minh trong giảng dạy tại một số trường THPT và THCS.

Việc sử dụng bảng thông minh trong giảng dạy mà bài giảng của GV trở nên sinh động hơn, nhiều hình ảnh minh họa, clip… hấp dẫn hơn. Thế nhưng, trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng thành thạo trong thao tác dù đã được tập huấn. Chưa kể là theo như đánh giá của một số CBQL thì đã có hiện tượng GV từ “đọc - chép” đã chuyển sang “chiếu - chép” hoặc giảm hẳn thời lượng giảng bài mà chủ yếu cho HS “nhìn” khi sử dụng bảng tương tác thông minh.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết, hiện trạng phòng học bộ môn ở Đà Nẵng cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiếu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Đề án xây dựng Phòng học bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020, tính đến năm 2017, Đà Nẵng đã xây dựng được cho 20 trường THCS, THPT với 54 phòng học bộ môn. Dù vậy, Đà Nẵng vẫn còn 356 phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn, trong đó, ít nhất phải xây mới 140 phòng học bộ môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.