Người sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa
Theo thống kê của Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy - Cục Tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an), số người nghiện ma túy ở Việt Nam đang có xu hướng tăng, hiện nước ta có hơn 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý.
Người nghiện gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp trong xã hội. Trong khi đó, thực tế hiệu quả công tác cai nghiện rất thấp. Đặc biệt, hiện số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Số người nghiện tăng kéo theo sự phát sinh, phát triển của các điểm, tụ điểm, ổ, nhóm bán lẻ chất ma túy tại các địa bàn cũng như tình trạng tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tại các điểm kinh doanh có điều kiện như quán bar, nhà nghỉ, khách sạn, khu công nghiệp… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với các loại ma túy đã xuất hiện trước đây như thuốc phiện, heroin, cần sa… ngày nay tình hình còn nghiêm trọng hơn khi xuất hiện càng nhiều các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần như “Ma túy đá”, “Cỏ Mỹ”, “Ketamine”… Tình trạng thanh, thiếu niên có lối sống đua đòi, sử dụng các chất ma túy tổng hợp dạng “ma túy đá” ngày càng gia tăng.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Thái Hồng Công, Quảng Ninh là địa phương phát triển nhiều loại hình kinh doanh quán bar, karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ... thu hút số lượng lớn thanh, thiếu niên đến vui chơi. Sự quản lý lỏng lẻo của các điểm vui chơi và các cơ sở kinh doanh lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ đã tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy tổng hợp, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp. Cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp khó gây nghiện nên những thanh, thiếu niên này rủ nhau dùng thử, dẫn tới lạm dụng và nghiện nặng.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy luôn được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện; các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tích cực vào cuộc và đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Nhận thức về tác hại của ma túy trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn, quyết liệt. Hoạt động của tội phạm ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều loại ma túy, đặc biệt là nhóm ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều địa bàn.
Theo ông Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma tuý (Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an), để sớm đẩy lùi, tiến tới loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an thì công tác tuyên truyền được xác định là nội dung trọng tâm, trong đó chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy.
Đặc biệt, tập trung đi sâu tuyên truyền đối với các đối tượng có nguy cơ cao đồng thời thành lập các đội thanh niên xung kích tuyên truyền ở các địa bàn dân cư, trong các trường học, đem lại tác dụng thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Ngành Công an xác định, thường xuyên rà soát số thanh, thiếu niên có nguy cơ cao sử dụng và phạm tội về ma túy, nhất là số thanh, thiếu niên hay bỏ học, bỏ nhà, tụ tập thành nhóm ăn chơi, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản nhằm răn đe, giáo dục, cảm hóa. Đồng thời tiến hành rà soát, thống kê theo dõi người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt nắm chắc danh sách đối tượng nghiện có biểu hiện “ngáo đá” để lập hồ sơ quản lý, giáo dục và đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Ông Tạ Đức Ninh cho rằng, bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công như vũ bão của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ khó khăn. Các cơ quan có liên quan cần nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong chiến lược chung về phòng, chống ma túy. Điều quan trọng nhất, để khắc phục sự manh mún như hiện nay, không thể thiếu một chiến lược phòng ngừa tổng thể, dài hơi với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, viện nghiên cứu tâm lý thanh niên, viện nghiên cứu giáo dục để có những can thiệp tổng thể hơn về vấn đề này.