Vấn đề đặt ra là mặc dù ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ, cảnh báo những nguy cơ có xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ. Vậy tại sao tai nạn đuối nước ở trẻ cứ liên tục xảy ra?!
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến xảy ratai nạn đuối nước ở trẻ. Nhưng cái cốt lõi vẫn là do sự chủ quan, thiếu sự quản lý cũng như còn quá lơ là trong việc trông nom trẻ của những người lớn trong gia đình mà ra.
Thực tế cho thấy nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở nông thôn thường có thói quen quản lý lỏng lẻo trong việc trông nom trẻ.
Ngoài giờ trẻ đến trường, nhiều cha mẹ thường để cho trẻ tự do vui chơi cùng với bạn bè trong xóm. Thậm chí, có cha mẹ không màng đến chuyện con cái mình đang làm gì, đi đâu không cần biết, miễn sao đến giờ đi học thì trẻ đi học đều đặn, hay đến giờ cơm thì trẻ có mặt ở nhà để ăn cơm là được. Kkhông cần biết, trẻ đang ở đâu, chơi với ai và chơi như thế nào?
Điều này rất nguy hiểm. Vì đây chính là cơ hội rất thuận lợi để trẻ có dịp rủ rê bạn bè cùng vui chơi.
Một điều đáng quan tâm nữa, nhiều phụ huynh còn quá chủ quan khi để trẻ tự vui chơi. Điển hình như việc để trẻ tự ý tắm sông. Rủ bạn bè đi tắm sông là hoạt động khá phổ biến của trẻ em ở vùng nông thôn. Bởi, nơi đây có địa hình thuận lợi. Vả lại, ở khu vực nông thôn còn thiếu thiết bị phục vụ cho hoạt động vui chơi của trẻ.
Ngoài giờ học, các em không biết làm gì để vui chơi. Trong khi đó, ở nông thôn có sẵn sông, rạch, suối... vì thế, nhiều trẻ chọn cách rủ rê bạn bè đi tắm sông để giải trí là điều tất nhiên. Trong khi đó, nhiều gia đình cho rằng trẻ đã biết bơi thì cứ mặc cho trẻ tự do tắm bất cứ nơi nào mà không cần phải quản lý, trông coi. Đến khi xảy ra sự cố thì chuyện đã quá muộn.
Đối với trẻ, các em thường có xu hướng thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng. Như chúng ta biết, với bản tính vốn có một đứa trẻ, các em thường rất là hiếu động. Khi vui chơi các em thích hành động theo suy nghĩ bột phát của mình trong khi chưa nhận thức được sự an toàn cho bản thân và bạn bè, vì thế tai nạn xảy ra đối với trẻ là đều không tránh khỏi.
Do đó, cha mẹ, những người lớn trong gia đình cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Ngoài việc trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, mỗi gia đình cần quản lý chặt chẽ hoạt động vui chơi của trẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trẻ không đến gần khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước như: Chơi gần mé sông, suối, rạch… Đặc biệt, tuyệt đối không được tự ý đi tắm sông khi không có sự quản lý, giám sát của người lớn.
Thiết nghĩ, để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ đạt hiệu thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, gia đình là nhân tố đóng vai trò quyết định, góp phần đảm bảo sự an toàn cho các em, tránh tại nạn đáng tiếc có thể xảy ra.