Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình

GD&TĐ - Những ngày qua liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra đối với trẻ em trên nhiều vùng quê, khiến ai cũng xót xa đau lòng. Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn trực chờ.

Cảnh đau thương trong lễ tang của 8 học sinh đuổi nước tại Hòa Bình vừa qua. Ảnh: Thế Đại.
Cảnh đau thương trong lễ tang của 8 học sinh đuổi nước tại Hòa Bình vừa qua. Ảnh: Thế Đại.

Những nỗi đau

Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ đuối nước xảy ra vào ngày 8/2 (tức mùng 4 Tết) tại ven biển xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cướp đi sinh mạng của 6 học sinh Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, thì vào chiều 21/3, 8 em nhỏ ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, rủ nhau ra sông chơi cũng đã bị dòng sông cướp đi sinh mạng.

Những tai nạn thương tâm ấy không chỉ gióng lên những hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước, mà trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, các cơ quan chức năng khi thời điểm mùa hè đang tới gần.

Đuối nước giờ đây không phải chuyện hiếm gặp và hầu hết nạn nhân đều rơi vào học sinh.

Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) năm 2017, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (26,7%).

Từ đầu năm 2019 tới nay, hàng trăm vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng hàng trăm trẻ em trên cả nước. Những con số đau lòng này khiến nước ta trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp mười lần các nước phát triển.

Thực trạng này khiến nhiều người băn khoăn với câu hỏi, phải chăng đuối nước là một trong những tai nạn khó có thể phòng tránh được? Hay chính sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn!?

Thực tế là đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân có ý thức. Phân tích từ những nơi thường để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em cho thấy, vấn đề gốc rễ là do các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, để môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Đã có rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong do không may sa chân xuống hố, cống của một số công trình xây dựng, mà nguyên nhân là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn.

Trong khi sự phát triển trí tuệ của trẻ em chưa hoàn thiện, sự hiểu biết về nguy cơ và cách phòng tránh tai nạn còn non nớt, các em chưa biết ứng xử trước các tình huống tai nạn và ít khả năng phòng tránh các hiểm họa.

Bên cạnh đó, phải kể đến việc thiếu quan tâm tới các em từ chính người thân trong gia đình. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Nhất là ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của một bộ phận người dân chưa cao…

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Có thể nói tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì thế để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Song một trong những nhân tố quan trọng khác để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Đối với mỗi cơ sở giáo dục, một trong những việc cần tập trung là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh các trường phổ thông; linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác đoàn đội trong việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống… Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước; có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là về những vùng nông thôn, vùng núi nơi nhiều mặt nước hở tự nhiên, có các thủy điện… giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, về tầm quan trọng của việchọc bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước…. và một điều quan trọng nhất là cần tạo ra các khu vui chơi cho các em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.