Phòng chống dịch bệnh: Cuộc chiến nhiều thách thức

Phòng chống dịch bệnh: Cuộc chiến nhiều thách thức

(GD&TĐ) - 3 trường hợp tử vong do mắc cúm A/H1N1, 1 ca tử vong do cúm A/H5N1, virus cúm H7N9 đang diễn biến phức tạp ở nước láng giềng Trung Quốc  là những thách thức với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.

Bệnh cúm vào mùa

TS Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: Số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 3. Trung bình mỗi ngày có từ 100-120 người đến khám do nghi  nhiễm cúm, trong đó có 4-5 bệnh nhân nhập viện do mắc cúm A/H1N1. 90% bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 ở  thể nhẹ và vừa. 

Còn theo Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu,  hàng năm VN vẫn ghi nhận khoảng 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Năm 2013, theo báo cáo giám sát của các địa phương trong 3 tháng đầu năm đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong 3 trường hợp tử vong do H1N1 và 1 cháu bé tử vong do H5N1.

Phòng chống dịch bệnh: Cuộc chiến nhiều thách thức ảnh 1
Nâng cao hành vi vệ sinh cá nhân cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất Ảnh: H. Thu

Cảnh giác cao độ với  virus cúm A/H7N9

Cúm A/H7N9 đang hoành hành ở 10 địa phương của Trung Quốc với 27 trường hợp tử vong nhưng Việt Nam hiện vẫn an toàn. Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi người có thể chủ quan bởi kết quả điều tra ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguồn lây nhiễm có thể từ gia cầm và môi trường bị ô nhiễm virus, tập trung chủ yếu ở các chợ bán gia cầm sống. Đến nay chưa có đủ bằng chứng kết luận có sự lây truyền dễ dàng từ người sang người, mặc dù đã ghi nhận 3 chùm ca bệnh tại 3 hộ gia đình. Bên cạnh đó, hiện chưa có vacxin phòng bệnh cúm A/H7N9, miễn dịch cộng đồng chưa có…, nên nguy cơ lây nhiễm cúm H7N9 là hiện hữu, Thứ trưởng Long nhận định.

Ông Phu cho biết, do chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người của virus H7N9 nên WHO chưa có khuyến cáo về việc cấm xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang trong toàn dân. Tuy nhiên, với khoảng 30 ngàn lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc mỗi tháng, việc tăng cường giám sát hệ thống cúm trọng điểm quốc gia, giám sát bệnh nhân cúm, bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng nghi do virus là cần thiết. “Bộ có công văn yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt phát hiện sớm bệnh nhân nặng điều trị kịp thời, hạn chế mức thấp nhất các ca tử vong đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định chủng virus với tất cả trường hợp viêm phổi nặng”, ông Phu nói.

Vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh

- Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở GD&ĐT thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, nhà tiêu, nhà tiểu. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trường học theo quy định;

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe, cách ly và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1. Quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, HSSV, nhà giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường. Thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có trẻ em, HSSV mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho HSSV, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Giáo dục HSSV làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền tích vực về phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1 giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Hướng dẫn cho HSSV có ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh…

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.