Phòng bệnh loãng xương ở người trẻ

GD&TĐ - Loãng xương thường được biết đến là căn bệnh của người già. Song, hiện nay, tình trạng mắc bệnh loãng xương ở người trẻ có xu hướng gia tăng.

Loãng xương hiện không chỉ còn là vấn đề gặp phải ở người cao tuổi mà ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy
Loãng xương hiện không chỉ còn là vấn đề gặp phải ở người cao tuổi mà ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Nguyên nhân

Loãng xương là căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới với ước tính khoảng trên 200 triệu người mắc. Đây được xem như một vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu và gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các thống kê cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Cụ thể, ước tính có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương. Theo dự báo, đến năm 2030, sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.

Đáng lo ngại hơn, loãng xương hiện không chỉ còn là vấn đề gặp phải ở người cao tuổi mà ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Loãng xương ở người trẻ thường ít được chú ý để phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời nên dễ gây ra các hệ lụy không tốt cho sức khỏe và khả năng vận động.

Dù mới 25 tuổi nhưng chị L.T.D. (ở Hà Nội) đã xuất hiện những dấu hiệu của bệnh loãng xương. Đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa An Việt, các bác sĩ cho biết, do làm công việc văn phòng hằng ngày, bệnh nhân cúi người quá lâu dẫn tới tình trạng cứng cơ vai gáy, làm hạn chế quá trình vận chuyển của cơ xương. Mặt khác, các xét nghiệm cho thấy, lượng canxi, vitamin trong cơ thể người bệnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ gây ra hiện tượng loãng xương trước tuổi.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Loan, nguyên Trưởng khoa Da liễu – Cơ xương khớp, Bệnh viện Giao thông Vận tải, nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ là do thiếu hụt khoáng chất, canxi và vitamin D trong chế độ dinh dưỡng. Canxi là một trong những chất quan trọng giúp xây dựng và bảo toàn cấu trúc xương.

Bên cạnh đó, vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể. Người trẻ thường không chú ý bổ sung đúng cách nên dễ bị thiếu hụt. Đặc biệt, ngày nay người trẻ có thói quen ăn thức ăn nhanh, đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn. Điều này là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt canxi và các dưỡng chất quan trọng khác cho hệ thống xương khớp.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với guồng xoáy công việc và học tập có thể khiến người trẻ dành ít thời gian cho hoạt động thể chất. Việc thiếu tập luyện đều đặn ảnh hưởng đến sức khỏe xương và cơ bắp, làm giảm khả năng chịu đựng của xương. Ngoài ra, các thói quen tiêu cực như hút thuốc lá và sử dụng rượu bia cũng góp phần gây loãng xương ở người trẻ. Nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể.

Rượu bia có thể làm giảm hấp thụ canxi qua ruột, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin D. Điều này dễ gây tác động đến mật độ xương. Đặc biệt, uống rượu bia quá mức còn làm tăng nguy cơ mất tế bào tạo xương và nguyên bào xương, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe xương khớp.

Biến chứng nguy hiểm

BSCKII Hoàng Thị Hiền, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, nếu không được chữa trị kịp thời, loãng xương ở người trẻ không chỉ gây ra sự suy giảm trong chất lượng công việc và cuộc sống, mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Trong đó, một số trường hợp bệnh nhân loãng xương có thể phát triển thành biến dạng cột sống, gây ra cong vẹo. Điều này có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Loãng xương ở người trẻ cũng có thể dẫn đến tình trạng gãy xương dễ dàng. Ngay cả những va chạm nhẹ cũng có thể gây ra gãy xương, thậm chí chỉ là trong những hoạt động đơn giản như gập người hoặc cúi người. Hậu quả của việc này có thể là tàn tật và thậm chí là tử vong.

Một biến chứng khác là lún xẹp đốt sống. Theo bác sĩ Hiền, những trường hợp bị lún xẹp đốt sống có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân, gây ra sự suy giảm đáng kể trong chất lượng sống, cũng như tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Để phòng ngừa nguy cơ loãng xương, đặc biệt ở người trẻ tuổi, theo bác sĩ Trần Thị Kim Loan, việc duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe hệ xương. Hoạt động thể chất đều đặn như tập thể dục, đi bộ... có thể giúp tăng cường mật độ xương và cải thiện sức khỏe hệ xương.

Đồng thời, bảo đảm chế độ ăn uống đủ canxi và vitamin D từ thực phẩm như sữa, cá hồi, trứng, hải sản... sẽ giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ xương thêm khỏe mạnh. Nên cân nhắc bổ sung các khoáng chất khác như magie, kẽm cũng sẽ hỗ trợ xây dựng cấu trúc xương ở người trẻ.

Giữ cân nặng ổn định để không bị thừa cân, béo phì là cách giảm áp lực lên xương, nhất là xương cột sống và khớp. Nhờ đó, có thể tránh được tình trạng loãng xương.

Để duy trì cân nặng lý tưởng, cần có một chế độ ăn uống cân đối, với nguồn thức ăn đa dạng. Mặt khác, chế độ ăn hằng ngày cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ để kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Duy trì hoạt động thể chất đều đặn sẽ giúp đốt cháy calo và tăng cường sức khỏe cho xương. Thiếu ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và sức khỏe hệ xương. Vì thế, người trẻ nên ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian hồi phục và xây dựng hệ xương.

Bệnh loãng xương, còn được biết đến với tên giòn xương hoặc xốp xương, là tình trạng mất dần độ dày và sự giảm mật độ chất xương. Tình trạng này khiến xương yếu hơn, dễ bị tổn thương và gãy ngay cả từ những va chạm nhẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ