Phó trưởng phòng trở lên sẽ phải kê khai tài sản

GD&TĐ - Việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sáng nay (31/5), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội.

Bước đi cần thiết

Có ý kiến cho rằng, muốn PCTN thực chất, hiệu quả thì cần có cơ chế kiểm soát thu nhập và thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với mọi thành viên trong xã hội. 
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Theo báo cáo của Chính phủ, có nhiều ĐBQH tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng.

Cũng có những ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao; có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả.

Sau khi nghiên cứu, Chính phủ xin được thể hiện quy định như phương án 1 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 10/2017. Phương án này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa X.

Theo giải trình của Chính phủ, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hàng năm.

Mặt khác để đảm bảo tính khả thi của quy định theo phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung căn bản về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập như quy định mới về phương thức kê khai; xây dựng Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội
 Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội

Đối chiếu khi tài sản biến động

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra trình Quốc hội. Theo báo cáo của Ủy ban, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên hoặc những cán bộ, công chức, viên chức khác làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên trong 1 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực.

Đồng thời, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hàng năm (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao).

Qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua.

Quy định này cũng là thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.