Đại biểu Quốc hội “điểm mặt, chỉ tên” nguyên nhân của tham nhũng

GD&TĐ - Phát biểu thẳng tại phiên làm việc ngày 26/5 của Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – đoàn Long An cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, những kết quả tích cực trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn Long An phát biểu tại phiên làm việc ngày 26/5 của Quốc hội
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn Long An phát biểu tại phiên làm việc ngày 26/5 của Quốc hội

Chua sót những vụ án tham nhũng nghìn tỷ

Theo đó, cử tri bức xúc cho rằng việc xử lý các đối tượng tham nhũng vẫn chưa đủ sức răn đe. Một số vụ việc kéo dài chưa nghiêm, đặc biệt là việc thu hồi tài sản đạt rất thấp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và cho nhân dân.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung dẫn giải, những vụ án tham nhũng, những vụ án sai phạm trong quản lý điều hành của cán bộ nhà nước và số tiền thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Cử tri đã so sánh, đa phần người nông dân, người lao động nông thôn “một nắng hai sương”, trồng rau hái quả, góp nhặt từng vài nghìn, vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, có khi mất trắng do thiên tai, dịch bệnh.

Những gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn được hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Ví dụ 500 nghìn đồng hỗ trợ một năm cho việc thờ cúng liệt sỹ, 270.000 đồng/1 tháng cho người cao tuổi v.v...

Người làm việc không chuyên trách ở cơ sở lương tháng chỉ hơn 1.300.000 đồng, cả năm chỉ được hưởng khoảng 15 triệu đồng. Tuy vậy, vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

“Do đó, khi nghe đến những vụ án tham nhũng nghìn tỷ, những dự án đầu tư chục nghìn tỷ đồng để rồi đắp chiếu, hỏi làm sao người dân không chua xót, bức xúc cho được. Vậy nguyên nhân từ đâu khi Đảng, Nhà nước ta đều quyết liệt như vậy trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đặt vấn đề.

Bất cập từ thể chế chính sách

Theo đại biểu Mỹ Dung, trong nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề về thể chế. Chính phủ đã đánh giá, hiện nay thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập.

Công khai minh bạch đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn nhà nước, công tác cán bộ, v.v... Khi phát sinh tham nhũng thì phần lớn tài sản đã bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Một trong những nguyên nhân cũng chính là thể chế, pháp luật hiện hành quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, kê khai minh bạch thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn hiện cũng mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế rõ ràng để áp dụng.

“Do đó, tôi đồng tình với những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới mà Chính phủ đề ra. Trong đó đặt lên hàng đầu là hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Với những đề xuất mạnh mẽ, đột phá, các cơ sở pháp lý về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê khai, công khai kiểm soát về tài sản thu nhập, đặc biệt là phải xử lý đối với người kê khai tài sản, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng thêm” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

Cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng đã kéo dài quá lâu, gần 3 năm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung trăn trở: Cử tri phản ánh sao công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như yêu cầu, chúng ta cứ mãi trả lời đang trình Quốc hội xem xét thông qua một cơ chế pháp lý toàn diện thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.

“Kỳ họp thứ 5 lần này, Quốc hội thống nhất chưa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để kéo dài thời gian lấy ý kiến và để có thời gian nghiên cứu tiếp thu, nhân dân đang kỳ vọng, đặt niềm tin, chúng ta cũng đang mong mỏi vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Do đó, tôi đề nghị đến kỳ họp thứ 6 không còn lý do nào nữa để chúng ta điều chỉnh thời gian thông qua luật sửa đổi và đưa luật vào thực thi ở thời gian sớm nhất có thể” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phát biểu.

"Trong thời gian này Chính phủ vẫn tiếp tục quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, chủ động sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của mình như: nghị định, thông tư hoặc những hướng dẫn chỉ đạo mạnh mẽ việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về tự rà soát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện chứ không phải chờ cấp trên kiểm tra, thanh tra rồi mới phát hiện. Tăng cường khen thưởng, nêu gương trong công tác phòng, chống tham nhũng" - Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.