Tố cáo bằng điện thoại là cần thiết

GD&TĐ - “Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nếu không dùng điện thoại thông minh có nghĩa đã quay lại thời kỳ 0.4” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – đoàn Bến Tre nêu vấn đề khi tranh luận tại hội trường về hình thức tố cáo bằng điện thoại được quy định trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Không nên thoái thác vì khó

Theo Đại biểu, điện thoại là trực tiếp chứ không phải gián tiếp. “Chúng ta đang cố gắng xóa bỏ sim rác, đang tiến hành để đăng ký lại người tiêu dùng trong điện thoại. Câu chuyện này chúng ta sẽ xử lý được chứ không nên thoái thác rằng, đây là vấn đề khó khăn để chúng ta từ chối việc tố cáo” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Tranh luận với Ban soạn thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chúng ta nói tố cáo chỉ là cá nhân chứ không phải là pháp nhân. Theo đại biểu, cần phải cân nhắc về vấn đề này.

“Ví dụ ông Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp tố cáo đồng chí Chủ tịch UBND có hành vi vi phạm liên quan đến công việc, người ta ký và đóng dấu là thay mặt hợp tác xã, đó là trường hợp thứ nhất.

Trường hợp thứ hai là, một công ty cổ phần tố cáo một quan chức địa phương, người ta ký, đóng dấu là thay mặt công ty và thay mặt Hội đồng quản trị thì đó là cá nhân hay pháp nhân” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn giải, đồng thời đề nghị: Ban soạn thảo giải thích rõ cho Quốc hội biết để chúng ta quy định vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tranh luận tại hội trường về hình thức tố cáo bằng điện thoại
 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tranh luận tại hội trường về hình thức tố cáo bằng điện thoại

Không đồng tình với ý kiến phải bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đoàn Nghệ An cho rằng, Ban soạn thảo đã rất thông minh khi thiết kế Khoản 1 Điều 22, chấp nhận hai hình thức tố cáo bằng văn bản và bằng lời nói. Thiết kế rất hợp lý tại Khoản 2, 3 của dự thảo luật lần này.

“Cách đây 13 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định tại Khoản 1 Điều 65 quy định như sau: "Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. 13 năm rồi, Quốc hội đã chấp nhận vấn đề này, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao lại bỏ đi, tôi thấy không đúng” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, tố cáo là một quyền hiến định. Chúng ta tạo điều kiện cho công dân tố cáo và có trách nhiệm trả lời đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đồng tình với hình thức tố cáo bằng điện thoại
 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đồng tình với hình thức tố cáo bằng điện thoại

Nên bổ sung hình thức tố cáo qua fax, điện tử

Tranh luận với một số đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, chúng ta ngụy biện, chúng ta là những công chức nhà nước, nếu nói một cách sòng phẳng đã ăn lương của nhà nước, mà lương đó là dân góp, thuế của dân thì tất cả những yêu cầu của dân chúng ta phải làm, đó là mặt nguyên tắc.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính: Việc mở rộng hình thức tố cáo quá fax, thư điện tử, điện thoại là cần thiết
 Đại biểu Nguyễn Hữu Chính: Việc mở rộng hình thức tố cáo quá fax, thư điện tử, điện thoại là cần thiết

Nhất trí hoàn toàn với quan điểm bổ sung hình thức tố cáo qua fax, điện tử, điện thoại, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – đoàn TP Hà Nội phân tích, hiện nay phương thức chuyển tải thông tin qua fax, thư điện tử, đặc biệt điện thoại đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước.

Đây là những phương thức chuyển tải thông tin rất ưu việt, giúp tiết kiệm về thời gian, công sức của người chuyển tải và tiếp nhận thông tin.

Mặt khác, sau khi tiếp nhận thông tin tố cáo được thực hiện qua những phương thức này thì người tiếp nhận hoặc bộ phận tiếp nhận tố cáo hoàn toàn có khả năng kiểm tra, xác minh để làm rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ việc tố cáo cũng như việc tiếp nhận các thông tin tài liệu, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, ngoài hình thức tố cáo truyền thống là bằng đơn và trực tiếp thì việc mở rộng hình thức tố cáo quá fax, thư điện tử, điện thoại là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo.

"Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 tiến bộ như thế chúng ta không kế thừa mà bây giờ lại bỏ đi. Việc quyết định như thế nào tùy vào Quốc hội, các đồng chí, nhưng tôi nghĩ như vậy để cho người dân thực hiện quyền hiến định thực sự, chứ đừng vì những việc khó khăn của cơ quan nhà nước, ta chọn việc dễ ta làm, còn việc khó chúng ta thôi thì tôi thấy không ổn” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.