Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT

GD&TĐ - Chiều 13/2,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc trò chuyện cùng hơn 1.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường xung quanh chủ đề “kết nối” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT ảnh 3Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT ảnh 4Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT ảnh 5

Báo Giáo dục & Thời đại trân trọng giới thiệu toàn văn trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với thầy và trò trường Đại học FPT (ĐH FPT):

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trên mạng hiện nay đâu cũng nói, và gắn liền với đó là khởi nghiệp. Chúng ta đừng nghe Phó Thủ tướng nói về cách mạng số mà hãy tự mình tìm hiểu. Đừng để cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cũng giống như cụm từ “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa”, tức là chỉ nghe mà không biết là gì.

Tôi đã triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam chỉ để trả lời câu hỏi: “Đặc trưng lớn nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì? Có thể gói gọn bằng một từ, một cụm từ hay một câu được không? Các nhà nghiên cứu cả về công nghệ, quản lý, khoa học xã hội đều nói rằng khó quá. Tuy nhiên khó không có nghĩa là không làm được. Bởi lẽ để nắm bắt được cốt lõi của một cuộc cách mạng, mình phải hiểu đúng về nó, từ đó mới xác định được mình sẽ làm gì trong cuộc cách mạng đó.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với “hơi nước”, cuộc cách mạng lần thứ hai là “điện”, lần thứ ba là “số hóa”. Các bạn đã nghe rất nhiều thuật ngữ gắn với cuộc cách mạng số như “Big Data”, “AI”, “Robotics”, “Thực tế ảo”, “In 3D”… Vậy nếu chỉ gói gọn trong một từ, từ đó chính là “kết nối”.

Công nghệ thông tin – cuộc cách mạng số hóa đã tồn tại vài chục năm. Một số quan điểm cho rằng còn hơi sớm khi nói về một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Tuy nhiên, một cách lạc quan, chúng ta hãy công nhận rằng cuộc cách mạng ấy đã bắt đầu và đặc trưng của nó là “kết nối”. Kết nối 8 tỷ thiết bị, trên mọi giác độ, mọi tầng lớp, đời sống chính trị xã hội, không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin (CNTT).

Chỉ một số ít thầy cô giáo, các cán bộ được chứng kiến thời đại của cuộc cách mạng về “số hóa”. Tôi tự hào nói rằng Việt Nam chúng ta không hề lỡ nhịp trong cuộc cách mạng thứ ba này. Nghe có vẻ lạc quan nhưng đó là sự thật.

Những năm 90, khi các nước đang phát triển đang lưỡng lự có chọn công nghiệp số cho ngành viễn thông, ngành CNTT không thì Việt Nam đã mạnh dạn bước vào công nghệ số. Cảm giác khi nối được 8km cáp quang đầu tiên, khi Việt Nam có tổng đài số đầu tiên là những cảm xúc chúng tôi không quên được. So với các ngành các, các ngành liên quan đến CNTT có bước phát triển mạnh mẽ hơn hẳn với tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng hết thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Đây là điều những người làm trong ngành CNTT đều thấy day dứt. Chúng ta đã có những đề án đầy tham vọng trở thành nước mạnh về CNTT.

Hiện nay,chính phủ điện tử của Việt Nam mới dừng ở vị trí 80-90 trên thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu hiện nay vào khoảng 943 tỷ USD, trong đó Việt Nam chỉ mới ở khoảng trên 3 tỷ USD. Vậy thì trước khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tận dụng cuộc cách mạng lần thứ 4, chúng ta cần phải tận dụng ngay phần còn lại của cuộc cách mạng lần thứ 3.

Với gần 100 triệu dân trong đó có một lực lượng lớn dân số trẻ, Việt Nam đang là thời kỳ đỉnh của dân số vàng, nhưng sẽ trở thành nước già điển hình của thế giới trong 30 năm nữa.

Việt Nam tự hào và có cơ sở để tự hào về giáo dục. OECD đánh giá Toán và Khoa học tự nhiên đứng thứ 12 thế giới, thứ 8 về khoa học. Vậy sao CNTT chỉ tăng 10%/năm? Bên cạnh những hạn chế về chính sách nhà nước, do doanh nghiệp Việt Nam yếu, thì một trong những lý do chính là lực lượng làm CNTT của Việt Nam còn rất mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Có thể ĐH FPT về chất lượng ở một số chuyên ngành, đặc biệt là CNTT có thể mạnh hơn so với mặt bằng chung, nhưng nhìn chung giáo dục cả nước, chất lượng nhân lực CNTT ở bậc đại học và sau đại học còn yếu.

Không phải vì chúng ta không giỏi mà vì chính chúng ta còn thiếu nhiều điều trong môi trường giáo dục. Mỗi năm có mấy trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp, trong đó có hàng chục nghìn sinh viên CNTT. Làm sao để những điều đang được áp dụng trong môi trường đào tạo của ĐH FPT và khiến các bạn sinh viên ĐH FPT đang tự hào sẽ được nhân rộng ra trong nhiều mái trường khác.

Ở độ tuổi như các bạn, chúng tôi cũng như các bạn, rất nhiều khát khao. Có thể ước mơ đơn giản là có việc làm, có những người ước mơ “điên khùng” hơn như những người sáng lập FPT, thậm chí có những người còn mơ thay đổi cả thế giới.

Chúng tôi muốn các bạn - những người may mắn được sống trong môi trường tuyệt vời của ĐH FPT, ngoài học để làm việc thật tốt, các bạn phải nhân rộng tinh thần và ý chí của mình ra cộng đồng sinh viên và xã hội. Bao gồm cả rèn luyện chuyên môn, kỹ năng mềm, kể cả việc ngay ý chí kinh doanh từ lúc còn đi học.

Trong ký túc xá ĐH FPT nơi tôi vừa vào thăm, có 1 bạn sinh viên đang tham gia thị trường chứng khoán và kiếm được tiền. Tinh thần ấy phải được thổi ra ngoài xã hội. Sinh viên ai cũng nghèo, thời nào cũng thế, có người chọn lao động tay chân, có người mong muốn và có cơ duyên được dùng kiến thức để kiếm tiền. Kiếm tiền bằng chuyên môn ngay trong lúc học, vừa được rèn luyện trong môi trường thực tế như các bạn ĐH FPT là điều hết sức tuyệt vời.

Khát vọng dù rất khó khăn nhưng cần được duy trì. Đất nước Việt Nam về kinh tế đứng khoảng 120 thế giới. Để Việt Nam trở thành “con rồng con hổ” trên trường quốc tế thì tốc độ tăng trưởng phải đạt ít nhất 8-9%/năm liên tục trong 15 năm tới. Liệu chúng ta có dám khát vọng tăng trưởng như vậy?

Các bạn phải thật sự khát vọng và có ý tưởng thật mới. May mắn sao, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chính thức mở ra cơ hội cho chúng ta. Liệu chúng ta có dám làm cách mạng trong học tập, trong quản trị đại học, trong hoạch định chính sách về CNTT? Nếu có, khi ấy hãy nói nhiều về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không tự nhiên cho một dân tộc không dấn thân từ đầu. Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này khi thế giới đã tắt 2G trong khi Việt Nam mới vừa triển khai 4G và chất lượng 3G còn chưa ổn định?

Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này nếu chúng ta ko có những quyết sách mạnh về chủ trương thuế, cơ chế tài chính để các doanh nghiệp phát triển những xa lộ thông tin thật lớn?

Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này nếu các chính sách về dịch vụ CNTT còn nhiều vướng mắc, để những người trẻ thay vì lập các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại phải sang Mỹ, sang Singapore?

Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này khi sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT khi đi xin việc vào các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí vào FPT vẫn phải đào tạo cả 1 năm?

Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này khi sinh viên Việt Nam tốt nghiệp rồi bước ra thế giới, ko tự tin để nói những thứ mình hiểu biết?

Quan trọng hơn nữa, nếu từng trường đứng riêng, từng người đứng riêng, sẽ rất khó thấy giá trị kết nối, ý nghĩa của sức mạnh công dân, trước hết là công dân Việt Nam, sau là công dân toàn cầu.

Tôi chỉ có một niềm mong ước nhỏ nhoi là các bạn sinh viên ĐH FPT và bạn bè các bạn hãy lan tỏa tinh thần cuộc cách mạng này đến các bạn sinh viên khác. Chúng ta phải ý thức được rằng đất nước này ko thể “bước đến đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu” nếu các bạn ko dám nuôi ước mơ, không chỉ bằng duy ý chí mà phải khơi dậy mọi sự sáng tạo, giá trị riêng của từng người, như các bạn đã và đang làm trong mái trường này.

Hãy thật sự khát vọng cháy bỏng và hết mực sáng tạo. Không ai giúp đất nước phát triển được ngoài chính chúng ta.

Chúc các bạn mọi sự của ngày hôm nay đều phải mới hơn, tốt hơn hôm qua!”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ