Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Tại hội nghị này, có những vấn đề chúng ta chưa bàn được nhiều và sẽ phải bàn tiếp trong các cơ sở giáo dục, lãnh đạo các nhà trường, đó là việc chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
Nội dung, âm hưởng chính của đổi mới căn bản, toàn diện là phải chuyển từ nền giáo dục đào tạo đang chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học, tạo nên những kỹ năng, phẩm chất của con người lao động Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trả lời câu hỏi phải làm thế nào, Bộ trưởng định hướng: Cần bàn kỹ những vấn đề liên quan đến chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử... Có cái chung cho toàn Ngành, nhưng cũng có cái riêng của từng khối ngành.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các Hiệu trưởng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH, thảo luận rộng rãi trong cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý của trường. Trên cơ sở đó, sẽ có những thảo luận chung cho các khối ngành.
"Nội dung này quan trọng hơn nhiều nội dung thi cử. Tôi đề nghị, vấn đề này phải là số 1. Từ đó mới đi sang nội dung về bộ máy quản lý, tự chủ, kiểm định, phân tầng, quản chặt đầu ra…" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc gì đã đúng, đã rõ cần triển khai ngay, không chờ!
Bộ trưởng cho biết: Ngay sau Đại hội XI, Bộ GD&ĐT đã triển khai nghiêm túc, xây dựng Đề án; đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc gì đã đúng, đã rõ cần triển khai ngay, không chờ.
Với tinh thần này, cả khối đại học và phổ thông đã làm được nhiều việc. Trong đó, với khối phổ thông, Bộ GD&ĐT đã kiên quyết chỉ đạo giảm tải, giảm nội dung khó, tránh trùng lặp kiến thức. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt vấn đề giảng dạy liên môn, đổi mới phương pháp dạy học.
Với bậc tiểu học, có thể nói tới chương trình Công nghệ giáo dục Tiếng Việt, mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột” khơi dậy trí sáng tạo của học sinh...
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo khuyến khích học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tự hào nhắc đến những giải thưởng cao trong nghiên cứu khoa học của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế.
Những chuyển biến tích cực như trên, theo Bộ trưởng, dù chưa thay đổi được toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng đã xuất hiện ngày càng nhiều những điểm sáng, trở thành phong trào rộng khắp ở nhiều địa phương.
Vị tư lệnh Ngành nhấn mạnh: Chúng ta cũng đã chỉ đạo đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá trong dạy học; có những diễn đàn về đổi mới phương pháp rất sôi nổi, đặc biệt sau khi có sự hỗ trợ của Viettel…
Cao điểm là sau tất cả những sự chuẩn bị, triển khai đó, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa rồi, chúng ta đã làm được một việc rất quan trọng là thay đổi nội dung, cách ra đề thi, cách chấm bài thi…
Bộ trưởng khẳng định: Ngành Giáo dục đã triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá và đạt được kết quả tốt đẹp. Sau kỳ thi, học sinh vui vẻ, phấn khởi; hiện tượng phao thi, tiêu cực giảm nhiều…
Tác động từ những đổi mới này không chỉ trong đạo đức, thái độ của học sinh, giáo viên... trong thi cử mà còn tác động đến nhân cách con người sau này.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phương án thi mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhân dân có ý kiến phản ánh rằng, đã hội tụ đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi “2 trong 1”. Cũng rất nhiều ý kiến chuyên gia, cán bộ nhắc nhở Bộ GD&ĐT phải khẩn trương làm, không được chậm trễ.
Có thể nói, những phương án mà chúng ra đang thảo luận đã được chuẩn bị và triển khai từng bước, từ năm 2011 đến bây giờ. Những phương án đó trước khi công bố xin ý kiến rộng rãi cũng đã được nghiên cứu công phu, lấy ý kiến không chỉ trong nội bộ khối phổ thông, đại học, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo trong toàn ngành …
Hiện Bộ GD&ĐT đã thành lập các tổ, nhóm để tập hợp ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn sau hội nghị sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý nhằm có thêm nhiều thông tin hơn nữa để xử lý phương án thi.
“Vấn đề này cũng sẽ được trao đổi, báo cáo trong Hội nghị của Ủy ban Phát triển nguồn nhân lực sắp tới” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Quan trọng nhất là đổi mới nhận thức và tư duy
Từ thực tiễn quá trình hình thành, triển khai Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng chia sẻ điều ông thấm thía chính là phải đổi mới nhận thức và tư duy
“Quan trọng nhất phải đổi mới nhận thức và tư duy, cả đội ngũ phải thay đổi, toàn Ngành phải thay đổi. Trong đó, những người đứng đầu, lãnh đạo, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức công đoàn và các tổ chức khác phải vào cuộc. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu tiên này, vai trò của những người đứng đầu là rất lớn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Chúng ta cần có lòng tin vào đội ngũ"
Chỉ đạo phải nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 29, Bộ trưởng nhắc lại: Trong Nghị quyết 29 đã đề cập đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục toàn diện. Trong đó, giáo dục phổ thông sẽ tích hợp cao ở lớp học dưới, phân hóa mạnh kết hợp với tự chọn ở lớp học trên. Giai đoạn giáo dục toàn diện kết thúc khi hết bậc THCS. Sang giáo dục THPT chuyển mạnh sang định hướng nghề nghiệp.
Như vậy, thi tốt nghiệp THPT sẽ không đặt vấn đề giải quyết giáo dục toàn diện, đó là tinh thần cũ trước đây. Sứ mạng của THPT là định hướng, chuẩn bị tốt cho các học sinh theo định hướng nghề nghiệp, phát huy được năng lực, sở trường của các em.
Tôi chia sẻ với những lo lắng của các trường ĐH, CĐ. Nhưng nếu các đồng chí ĐH, CĐ là quả đấm thép thì hãy coi khối phổ thông là bộ đội địa phương. Cho dù là quân chủ lực mà đứng một mình cũng sẽ rất gay go.
Bộ trưởng tâm đắc với ý kiến lãnh đạo một trường ĐH phát biểu tại Hội nghị, đó là: Chúng ta phải có niềm tin. Thế giới đang chấp nhận bằng tốt nghiệp phổ thông của ta. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông được nhận vào học tại các trường đại học nước ngoài, thế mà chúng ta lại chê là xấu.
Người ta tin được, sao chúng ta không tin? Phải chấp nhận hiện thực và tin tưởng những người làm giáo dục. Không lấy số ít để rồi bi quan và ngăn cản.
Bộ trưởng chia sẻ: Sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng từ năm 1986 là sự nghiệp của nhân dân, sự nghiệp của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ cán bộ chủ chốt, chỉ khối ĐH thì không thể giải quyết được. Nơi nào có bất cập, bức xúc thì giải quyết, nơi nào có vi phạm thì xử lý, người nào vi phạm thì kỷ luật. Nhưng cũng phải rất bình tĩnh, tránh khái quát.
“Tôi đồng tình và cảm thấy xúc động khi nghe ý kiến này. Ta phải có lòng tin và nhau, tin vào đội ngũ. Nếu tất cả chính sách của chúng ta đều chỉ nhằm ngăn chặn, chống lại một vài người phá bĩnh thì sẽ lệch lạc, không phát triển được. Giống như khi ra trận, chúng ta là những tư lệnh, chúng ta phải tin rằng các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ chĩa súng vào mình…
Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, cán bộ - đảng viên đi trước, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là những chiến sĩ tiên phong, đồng thời là những người tham mưu chính cho hệ thống chính trị triển khai mọi hoạt động một cách mạnh mẽ.
Nhưng đi thế nào, nhìn lại phải thấy bà con đi theo. Tức là chúng ta đi đúng, cuốn hút được các thầy cô giáo, chúng ta phải tin và thuyết phục để đội ngũ thầy cô giáo tin, rồi từ đó người dân tin tưởng. Ai có thể nói rằng không tin kết quả thi tốt nghiệp, nhưng chúng ta, với lương tâm và trách nhiệm của mình - thì không thể nói vậy.
Tuy nhiên, tin tưởng nhưng không mù quáng. Chúng ta phải củng cố, siết chặt đội ngũ, loại bỏ cái xấu, cái yếu kém. Các chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển lành mạnh; đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên hệ tới dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, vị lãnh đạo ngành Giáo dục khẳng định khối phổ thông và khối ĐH cần tin tưởng chung tay để làm.
Bộ trưởng không đưa ra kết luận hội nghị, trong đó có cả vấn đề về thi cử vì việc này sẽ phải tiếp tục tiếp thu ý kiến. Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe một cách cầu thị, xử lý khách quan sau đó báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng và sau đó là Thủ tướng trước khi có quyết định.
“Đây là việc không phải lớn nhưng lại tác động trực tiếp đến học sinh, sinh viên, đến rất nhiều người trong xã hội nên cần phải triển khai thực sự nghiêm túc” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đồng thời đề nghị lãnh đạo các nhà trường trên cơ sở tài liệu Hội nghị hôm nay, tiếp tục tổ chức trao đổi trong đơn vị của mình, từ đó, tập hợp ý kiến gửi về Bộ GD&ĐT; khuyến khích các giảng viên, cán bộ quản lý gửi ý kiến trực tiếp về Bộ GD&ĐT qua email.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận được rất nhiều mail của các thầy cô giáo cả bậc phổ thông và đại học, của học sinh - sinh viên và công chúng... Bộ trưởng mong sẽ nhận được các ý kiến đông đảo, nhiều chiều hơn nữa để cân nhắc trên nhiều khía cạnh, từ đó có một phương án hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Xem nội dung chỉ đạo Hội nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam TẠI ĐÂY