Sáng nay (24/11), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đến dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo "Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa", qua đó nêu lên 6 kiến nghị mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn Ngành nỗ lực, tập trung thực hiện.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, phục vụ Hội nghị, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có điều kiện để tiếp cận sớm các báo cáo, qua đó biểu thị sự đồng tình cao với nội dung báo cáo Trung tâm do đồng chí Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày.
"Để góp phần làm rõ một số nội dung trong báo cáo, tôi xin tập trung vào hai vấn đề chính như sau:
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm, Ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước, xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Trên tinh thần “tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ” quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách. Quốc hội đã ban hành các bộ Luật, Chính phủ ban hành các Nghị định để quản lý, phát triển văn hóa nhằm chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú như: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, loại hình nghệ thuật đặc sắc, lễ hội mới và sự kiện, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa thành sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…
Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. Cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú, giàu có của Việt Nam thành sự đa dạng, giàu bản sắc và có khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ.
Một hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành. Thể chế về văn hóa đang trong quá trình từng bước hoàn thiện, công tác cán bộ của Ngành văn hóa nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng nói riêng còn có sự bất cập", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày trong báo cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: "Nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng;
Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Trong hành động còn thiếu các giải pháp có tính khả thi để con người thực sự là trung tâm của sự phát triển;
Đầu tư cho văn hóa, ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước. Những nguyên nhân của hạn chế nêu trên có phần trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa".
Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, trong thời gian tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin được kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn Ngành nỗ lực, tập trung thực hiện các nội dung như sau:
Một là, Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Chúng ta cần có “Nhận thức đúng để hành động đẹp”.
Hai là, Xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam như Nhà thơ - Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng viết “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”.
Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi “Văn học là nhân học”.
Ba là, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
- Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
- Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ.
Khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa; “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại” đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Bốn là, Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập. Đó là con người yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhiều lần khẳng định. Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Bởi lẽ thước đo của sự phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người.
Chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ - ấm no - hạnh phúc nơi hình thành con người có văn hóa. Phải xuất phát từ tình yêu Mẹ Tổ quốc với trách nhiệm lớn lao, nghĩa cử cao đẹp vì Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã để lại cho chúng ta kho tàng di sản và nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, đến người mẹ của từng gia đình - những người mẹ đã trao truyền, lưu giữ văn hóa cho các con các cháu của mình bằng những việc bình dị nhưng rất đỗi cao quý thiêng liêng, từ điệu lý câu hò, làn điệu dân ca, từ điều hay lẽ phải, khuyên nhủ, đến sự hy sinh cao cả “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Những giá trị nhân văn đó cần được đề cao. Văn hóa nuôi dưỡng tình thương, tình thương là cội nguồn sức mạnh.
Năm là, Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Sáu là, Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất.
Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy kính đề nghị, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.