Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường

GD&TĐ - Hội nghị sẽ trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.”

Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân (Ảnh tư liệu/baovanhoa.vn)
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân (Ảnh tư liệu/baovanhoa.vn)

Ngày 16/7/1948 trong thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc.

Người chỉ rõ “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của Nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết.

Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”.

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hoá toàn quốc sẽ được tổ chức. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Vì thế, hội nghị sẽ trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, muốn chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thì trước tiên cần phải nâng tầm nhận thức theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để không bị chệch hướng khi xây dựng, phát triển nền văn hóa.

“Khi và chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống và nâng tầm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mới không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, phải xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm, xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.

Bộ trưởng trao đổi thêm: Khi chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, vậy phải xây dựng môi trường văn hóa ở lĩnh vực này như thế nào để đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa? Đồng thời phải chú ý làm thực chất hơn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, các cơ quan đơn vị, để đó thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.