Báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại xã biển Nhơn Hải, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, có khoảng 140 hộ dân sinh sống dọc tuyển kè biển Nhơn Hải phải sơ tán trong đợt bão số 6. UBND thành phố Quy Nhơn đã giao UBND xã Nhơn Hải hỗ trợ dân sơ tán trong ngày 9/11.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ từ ngày 9/11, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản. Nhanh chóng cấp phát bao tải cát miễn phí cho dân, hỗ trợ lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, lồng bè.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định duy trì 100% quân số, thành lập 5 đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn như: Phao, bè, xuồng, nhà bạt, giường, chiếu, vật chất sinh hoạt tại các phòng tập trung, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ...
Kiểm tra tại cảng Quy Nhơn (nơi bị sự cố đối với các tàu vận tải trong bão số 5 vừa qua), Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn báo cáo với Phó Thủ tướng: Đến sáng nay có 56 tàu hàng tại khu vực cảng Quy Nhơn đã được đơn vị bố trí vào các khu vực neo đậu an toàn.
Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn cũng đã khuyến cáo các tàu sắp tới làm hàng tại Quy Nhơn tạm thời chuyển hướng vào các cảng khác để tránh bão. Đồng thời, yêu cầu các tàu kiểm tra, neo tàu kỹ lưỡng, đưa tất cả người trên tàu không phải là thuyền viên ra khỏi tàu trong thời gian có bão, việc bốc dỡ hàng hóa của các tàu tại cảng Quy Nhơn đã thực hiện xong.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau khi đi kiểm tra một số địa bàn xung yếu của địa phương để đôn đốc công tác ứng phó bão, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, đặc biệt lưu ý hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với các phương tiện vãng lai của địa phương khác;…
Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch và công trình cơ sở hạ tầng trên biển và các đảo;…
Bên cạnh đó, rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở do nước dâng cao, sóng lớn, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản trên biển và ven biển, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.
Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng ngập úng, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, công trình đang thi công, công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê, kè biển đã bị sự cố do bão số 5 vừa qua. Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Phó Thủ tướng lưu ý, đối với khu vực miền núi, trung du thì tiến hành rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn khi có tình huống xấu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính;…