Miền Trung: Sẵn sàng ứng phó với bão số 6

GD&TĐ - Dự báo từ chiều tối nay 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao từ 6-7m. Biển động dữ dội.

 Nhiều tàu thuyền đã được đưa vào nơi trú bão
Nhiều tàu thuyền đã được đưa vào nơi trú bão

Từ chiều tối mai (10/11), vùng ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6.

Từ đêm 9/11 đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Lượng mưa ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng: 100-200mm; Bình Định đến Khánh Hòa: 200-350mm, cục bộ một số nơi trên 400mm; khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc: 150-250mm.

Do mưa lớn, nguy cơ xảy ra ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị từ Thừa Thiên -Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.

Trong sáng 9/11, Tổng Cục phòng chống thiên tai và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục tổ chức cuộc họp nhằm rà soát và chỉ đạo công tác triển khai ứng phó bão số 6.

Theo đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1512 ngày 8/11 của Thủ tướng Chính phủ; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị Philippin hỗ trợ mua dầu, lương thực, thực phẩm cho 5 tàu của Quảng Ngãi đang neo đậu, tránh trú tại Philippin; các địa phương chủ động phương án di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển, các khu neo đậu, tránh trú (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực thường xảy ra sự cố…

Lực lượng quân đội giúp dân phòng chống bão
 Lực lượng quân đội giúp dân phòng chống bão

Được biết, Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sĩ, 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó bão số 6. Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 37.811 hộ dân với 152.563 người tại các khu vực nguy hiểm như: ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất..

Tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Cửa Lở, An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành); công tác phối hợp giữa Ban CHQS huyện Núi Thành với đồn biên phòng trong việc chuẩn bị phương tiện, lực lượng, chủ động ứng phó với bão số 6; kiểm tra báo động sẵn sàng chiến đấu đối với Cơ quan Quân sự huyện...

Sau khi kiểm tra, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban CHQS huyện Núi Thành làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn như Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) soát xét các vị trí ngập lụt, chủ động tham mưu phương án, khẩn trương di dời người dân khi có tình huống xảy ra. Tích cực tuyên truyền vận động ngư dân neo đậu tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 6, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi bão đổ bộ vào đất liền.

Được biết, hiện nay Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã thiết lập 3 sở chỉ huy thường xuyên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ do một Tham mưu trưởng và một Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh trực tiếp phụ trách.

Tại mỗi xã bố trí trực từ 20-25 đồng chí và các loại ghe; tại huyện bố trí trực từ 25-30 đồng chí cùng ca nô, xe ô tô. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với các lực lượng như Hải quân vùng 3, Sư đoàn 315… để hỗ trợ.

Cũng trong sáng 9/11, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đã họp triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 6. Theo chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đại tá Đỗ Ngọc Nam, trong sáng 9/11, mỗi đơn vị trực thuộc đã tổ chức 2 tổ công tác đến giúp đỡ, hướng dẫn ngư dân neo đậu lại tàu thuyển đảm bảo an toàn trong bến đậu. Cùng với đó, BĐBP tỉnh chỉ đạo Hải đội 2 bố trí tại mỗi cửa biển 2 tàu cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo, hướng dẫn ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào ngày 11/11/2019 để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Tại tỉnh Bình Định, Sở GD&ĐT đã có công văn gửi Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc; Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 6.

Theo đó, học sinh, học viên được nghỉ học vào thứ 2 (ngày 11/11). Sau ngày 11/11, Hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông căn cứ vào tình hình mưa lũ sau bão và thực tế ở địa phương để quyết định thời gian đi học lại, đề phòng tai nạn xảy ra trên đường đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện.

Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; triển khai việc thực hiện ngay phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng tránh lụt bão ở cơ sở, chú trọng việc gia cố công trình, đặc biệt là chằng chống tường bao, mái, cửa ra vào, cửa sổ các phòng học, tránh bị tốc mái, tung cửa khi bão đến; nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban tại đơn vị 24/24 giờ để phòng, chống lụt bão và chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống lụt bão của đơn vị cho Sở GD&ĐT và chính quyền địa phương nơi trường đóng. Nhất thiết phải có một đồng chí lãnh đạo có mặt cùng với cán bộ, giáo viên trực tại đơn vị; không tổ chức hội họp, các hoạt động ngoại khóa trong ngày 10 và 11/11.

Tại tỉnh Phú Yên, Các địa phương đã tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chằng néo, chống bừa neo, trôi dạt và tổ chứa hướng dẫn người dân nuôi lồng, bè thả trệt xuống sát đáy để đảm bảo an toàn; tổng số người cần được di dời trên các lồng, bè khoảng 3.600 người. Số hộ chăn nuôi gia súc dọc sông Ba nằm trong vùng nguy hiểm là 162 hộ với 669 con bò (chủ yếu ở các huyện Phú Hòa và Tây Hòa), các địa phương tiếp tục vận động nhân dân di dời sơ tán người và gia súc nêu trên.

Lực lượng tham gia công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khoảng 6.220 người. Tỉnh Phú Yên đã triển khai công tác ứng phó bão số 6 đến các địa phương và người dân để chủ động phòng tránh cũng như công tác khắc phục sau bão. Phú Yên tiếp tục liên hệ và cập nhật thông tin, chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT để kịp thời triển khai trên địa bàn tỉnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ