Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD&ĐT về tình hình giáo dục, đào tạo.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD&ĐT.

Giáo dục chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả

Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11 văn bản; ban hành theo thẩm quyền 9 Thông tư, 5 quyết định cá biệt.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trình Thường trực Ban Bí thư xem xét ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết nhằm thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai.

PTT Le Thanh Long.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục, dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, đề nghị xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đã được Bộ GD&ĐT xây dựng. Đồng thời, Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2024 - 2030.

Để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa. Đồng thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và cung ứng đầy đủ, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2024-2025.

GDPT mũi nhọn tiếp tục đạt thành tích vượt trội tại các hội thi, kỳ thi quốc tế và khu vực. Tính đến nay, đoàn tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 giành được 1 giải Nhì (đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay).

Đội tuyển dự thi Olympic Tin học Châu Á đạt 1 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, xếp thứ 6/35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Đội tuyển dự thi Olympic Vật lí Châu Á đạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng. Đây là thành tích vượt trội hơn so với các năm trước, sau nhiều năm đoàn Việt Nam đã giành được Huy chương Vàng.

Đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đạt 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

BT Nguyen Kim Son.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo nghiêm túc và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 1.071.393.

Giáo dục đại học tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt vào Bảng xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2025, trong đó có 5/6 trường đều tăng hạng.

Bộ GD&ĐT hiện đang triển khai xây dựng Đề án Tự chủ đại học ở Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030. Đồng thời, tiến hành sơ kết 5 năm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, làm căn cứ cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trong thời gian tới.

Một trong những nhiệm vụ đã và đang được Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai là xây dựng và hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Quốc hội khóa XV.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp; hoàn thiện và trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018. Tính đến tháng 4/2024, cả nước tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, đến nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông cho đến đại học, với dữ liệu số hóa của hơn 26 triệu hồ sơ người học, gần 2 triệu hồ sơ của đội ngũ giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, của 53 ngàn cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và gần 500 cơ sở đào tạo đại học.

Xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện thí điểm học bạ số đối với cấp Tiểu học. Đến nay, đã có 55/63 Sở GD&ĐT thực hiện kết nối báo cáo học bạ số về cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

TT Nguyen Van Phuc.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn tình trạng một số văn bản trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền chậm tiến độ; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương; tình trạng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo - tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%; việc thực hiện tự chủ đại học còn chậm, lúng túng…

Chính sách giáo dục đã có tầm nhìn xa hơn

Tại buổi làm việc, một số vấn đề nổi bật của ngành được Bộ trưởng và các Thứ trưởng trao đổi, làm rõ thêm; trong đó có nhấn mạnh những thuận lợi, khó khăn trong triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định mức độ quan tâm của xã hội, cả hệ thống chính trị với giáo dục; đồng thời cũng chia sẻ khó khăn khi ngành đang trong quá trình chuyển đổi, khó khăn khi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI.

Từ đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, giúp ban hành chính sách phù hợp, giảm được thấp nhất rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi.

Cùng với đó, quan tâm đến chính sách tài chính trong giáo dục. Nếu không đầu tư kinh phí ráo riết sẽ tăng nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục vì hiện chúng ta vẫn còn gần 20% trường học chưa được kiên cố hóa. Các cơ sở giáo dục đại học không được quan tâm đầu tư đúng mức cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ đáp ứng sự bứt tốc của nền kinh tế…

TT Pham Ngoc Thuong.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc họp.

Dịp này, Bộ GD&ĐT đồng thời đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế ngành giáo dục giai đoạn 2026 - 2030 đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp, học sinh bảo đảm nguyên tắc “Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng của một số môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật…) giải quyết vấn đề thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn học này.

Chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% trong tổng chi chi ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019.

Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhất là kinh phí thực hiện các Đề án phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại các vùng trên toàn quốc; bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục phổ thông…

TT Nguyen Thị Kim Chi.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại cuộc họp.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua. Trong đó, cùng với có nhận định chính sách được làm kỹ hơn, tương đối bao quát, tầm nhìn xa hơn và từng bước cải thiện chất lượng; kiểm tra, đánh giá, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng thực chất hơn… Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Khẳng định giáo dục, đào tạo là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong 3 đột phá chiến lược và được xã hội đặc biệt coi trọng, nhất là với văn hóa phương Đông, đặc thù ngành Giáo dục cũng được Phó Thủ tướng nhìn nhận, chia sẻ. Theo đó, với giáo dục, đào tạo, để có được kết quả từ chính sách là cả một quá trình, kết quả đào tạo con người phải tính cả trăm năm, không dễ dàng đột phá. Điều này đòi hỏi sự bình tĩnh, bản lĩnh, nhất quán trong quan điểm.

Chia sẻ với khó khăn của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một lĩnh vực khó lượng hóa, trong thời gian dài mới có kết quả và luôn có khoảng cách nhất định giữa nhu cầu và khả năng, giữa “cầu” và “cung”. Có những việc thống nhất được chủ trương, nhưng để đi được đến kết quả là cả một quá trình thỏa thuận, trao đổi, không thể tự quyết… Từ những nhận định chung này, Phó Thủ tướng cũng có những trao đổi về cách thức làm việc trong thời gian tới để triển khai các công việc có hiệu quả, bảo đảm tính khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.