Tăng cường vai trò cơ quan quản lý giáo dục trong quản lý nhà giáo

GD&TĐ - Từ phân tích thực trạng quản lý nhà nước về nhà giáo, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành đề xuất liên quan đến nội dung này trong Luật Nhà giáo.

Giáo viên Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).
Giáo viên Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Thực trạng quản lý nhà nước về nhà giáo

Chia sẻ thực trạng quản lý nhà nước về nhà giáo tại địa phương, trong tham luận tại hội thảo ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết:

Tại Nghệ An, đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Tỷ lệ trình độ đào tạo trên chuẩn của THPT tương đối cao (27,9%). Tỷ lệ giáo viên trẻ, ở độ chín của nghề giáo, được đào tạo bài bản chiếm tỷ lệ lớn (từ 30 đến 50 tuổi chiếm trên 76% trở lên).

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên sau đào tạo được nâng cao, phần lớn tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, cần cù, chịu khó, có ý thức phấn đấu vươn lên, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức phấn đấu, rèn luyện về tư tưởng chính trị, tu dưỡng về đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, trưởng thành trong công tác, năng động, sáng tạo.

Kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo và thực hiện đúng quy định, kịp thời...

Tuy nhiên, hiện hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện trong tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo; hạn chế vai trò tham mưu của phòng GD&ĐT về chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ. Việc bố trí đội ngũ (số lượng, chất lượng, cơ cấu) phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện; cơ chế thực hiện ở mỗi huyện cũng khác nhau, điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác nhau.

Các văn bản Luật và Nghị định không có quy định thuyên chuyển viên chức giữa các đơn vị trực thuộc; khi điều động viên chức từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu phải điều động biệt phái. Viên chức biệt phái hưởng lương ở đơn vị cử đi có bất cập khi giữa các đơn vị có sự chênh lệch về chế độ chính sách (ưu đãi, khu vực, các khoản đóng góp nghĩa vụ ở đơn vị đến...).

Việc quy định phân cấp quản lý, dẫn đến không thực hiện được việc điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác để bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu; khó khăn trong việc tiếp nhận giáo viên từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác để tạo điều kiện cho giáo viên được yên tâm công tác, hợp lý hóa gia đình.

Đội ngũ giáo viên các cấp được giao hiện nay còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học tiểu học, THCS, THPT.

Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách đối với giáo viên thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu tính thống nhất như chế độ trả tiền dạy thừa giờ, tiền chấm bài thừa,...cho giáo viên. Việc tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên ở một số huyện chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Chia sẻ nguyên nhân khách quan của hạn chế, bất cập nói trên, GS Thái Văn Thành nhắc đến đầu tiên là một số chủ trương quy định về tuyển dụng giáo viên của Trung ương chưa sát với đối tượng nhà giáo nên khi áp dụng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

Một số quy định về đánh giá, xếp loại giáo viên còn chung chung, công tác chỉ đạo đánh giá xếp loại thiếu kiên quyết. Công tác thanh tra giáo dục chưa thật sự là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Công tác phân công, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập giữa Trung ương và địa phương, các tỉnh, các huyện; sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT với ngành Nội vụ có lúc chưa nhịp nhàng, làm hạn chế chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Cơ quan quản lý ngành Giáo dục chưa có được sự chủ động trong tuyển dụng, điều tiết giáo viên dẫn đến việc thừa - thiếu cục bộ diễn ra nhiều năm nhưng không có đủ chế tài để giải quyết.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay hầu hết các địa phương đều phải cắt giảm chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD&ĐT; trong khi đó quy mô trẻ em, học sinh ngày càng tăng; vì vậy, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đều thiếu giáo viên. Địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

GS.TS Thái Văn Thành phát biểu tại hội thảo ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

GS.TS Thái Văn Thành phát biểu tại hội thảo ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về nhà giáo

Đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về nhà giáo, GS Thái Văn Thành cho rằng, quy hoạch đội ngũ giáo viên cần bảo đảm tính đồng bộ, dài hạn, đảm bảo sự chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Về tuyển dụng nhà giáo, đề xuất quy định nội dung, hình thức, các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng đối với nhà giáo (sơ tuyển ngoại hình, kết quả học tập, sát hạch giảng dạy,…), để đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Cần giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ; tăng cường yêu cầu và đánh giá về năng lực sư phạm.

Có thể tính đến phương án quy định về thời điểm tuyển dụng thống nhất trong toàn quốc 2 kỳ/năm để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt của các cơ quan/đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, đáp ứng kịp thời số lượng nhà giáo còn thiếu/cần bổ sung để thực hiện chương trình giáo dục.

Về thẩm quyền tuyển dụng, phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Khi nhà giáo được bổ nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp. Đồng thời, cũng cần tính toán để quy định giữ lại một số chính sách nhà giáo đối với người được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý giáo dục.

Về việc sử dụng nhà giáo: Đề xuất quy định đồng bộ, thống nhất về việc thay đổi đơn vị công tác và thay đổi vị trí việc làm của nhà giáo để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, bố trí, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo khi cần. Đồng thời tính đến xu thế phát triển của giáo dục hiện nay và trong tương lai, khi khối giáo dục ngoài công lập phát triển thì nhà giáo có cơ hội di chuyển giữa các khối công - tư nếu đáp ứng các yêu cầu cần thiết.

Theo đó, việc bố trí, phân công, điều chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục xảy ra ở 2 trường hợp: do nhu cầu, nguyện vọng của nhà giáo (thuyên chuyển) hoặc do sự điều tiết của cơ quan quản lý giáo dục nhằm giải quyết thừa/thiếu giáo viên hoặc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhiệm vụ cụ thể của ngành trong một thời điểm nhất định (biệt phái/điều động).

Để việc sử dụng nhà giáo có hiệu quả, các trường hợp nêu trên cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện/quy trình/thẩm quyền. Trong đó, về thẩm quyền, cần giao trách nhiệm và sự chủ động cho các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Xây dựng môi trường làm việc cho nhà giáo (đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường sư phạm, môi trường giáo dục, an toàn cho nhà giáo trong việc thực hiện nhiệm vụ).

GS Thái Văn Thành đề xuất, dự thảo Luật Nhà giáo cần cụ thể hóa các nội dung về quản lý nhà giáo tại Chương IV (Điều 20, 21, 22, 23), Chương V và Chương VII (Điều 55, 56, 57) của dự thảo Luật theo hướng như đã nêu trên.

Cùng với đó, xây dựng quy định phân cấp quản lý về nhà giáo để tăng cường vai trò chủ động của các cơ quan quản lý giáo dục trong việc quản lý đội ngũ nhà giáo như sau:

Phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý nhà giáo cấp huyện (mầm non, tiểu học, THCS).

Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý nhà giáo khối trực thuộc và điều chuyển, cân đối đội ngũ nhà giáo các huyện trên địa bàn tỉnh, điều chuyển đội ngũ công chức giữa các phòng GD&ĐT;

Bộ GD&ĐT tham mưu phân bổ biên chế giáo dục cho các tỉnh, cân đối điều chuyển nhà giáo khối trực thuộc và điều chuyển, cân đối đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc theo nguyện vọng và nhu cầu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề xuất xây dựng chính sách phát triển giáo dục: như chính sách về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ…; các văn bản pháp quy về chính sách đối nhà giáo công tác tại các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, vùng dân tộc miền núi, trường chuyên biệt; chính sách với đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi.

Đồng thời, điều chỉnh cơ chế tài chính theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường để chủ động trong việc thu chi, đảm bảo các hoạt động của đơn vị cũng như cân đối nguồn chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục cần có cơ chế chính sách thích hợp như: chính sách sử dụng, bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, chính sách tiền lương và các chính sách khác, tạo động lực cho nguồn nhân lực giáo dục phát huy tính năng động sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thu hút lực lượng lao động khác tham gia vào ngành Giáo dục.

Để nâng cao vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo động lực để họ yên tâm công tác, thì việc ban hành văn bản pháp lý riêng đối với nhà giáo ở tầm Luật trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV bước đầu tạo được không khí phấn khởi cho hơn 1,6 triệu nhà giáo; nhận được sự đồng thuận ủng hộ của cha mẹ học sinh và nhân dân. - GS.TS Thái Văn Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.