Tự tin dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Lê Thành Long (HS lớp 12/14, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) cho biết: “Em đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) chuyên ngành Ngôn ngữ Anh nên em xem rất kỹ phổ điểm của 3 môn thi Toán – Anh văn và Ngữ văn. So với năm ngoái, số bài thi điểm cao tăng nên dự kiến điểm chuẩn cao hơn. Điều này khiến chúng em sợ đề thi đợt 2 sẽ khó hơn đề đợt 1, nhưng thầy cô đều cho biết mức độ khó của hai đợt tương đương nhau nên có phần yên tâm hơn. Thi đợt 2, bọn em có thuận lợi là đã hình dung được cấu trúc đề thi cũng như mức độ khó của đề nên đỡ mông lung hơn”.
Phương Anh (HS lớp 12/10, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Em căn đúng thời gian làm bài của mỗi môn thi với đề thi đợt 1 được 23 - 24 điểm cho 3 môn Ngữ văn – Lịch sử - Địa lý. Với phổ điểm của 3 môn thi này của đợt 1, em sẽ tập trung hơn nữa trong thời gian còn lại để có kết quả tốt nhất”.
Nhận xét về phổ điểm các môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay: “Phổ điểm tập trung ở mức điểm trung bình – khá đã phản ánh đúng và sát với chất lượng giáo dục phổ thông. Đồ thị không quá dốc chứng tỏ độ lệch không quá lớn, nhưng vẫn đủ độ phân hóa để phục vụ công tác tuyển sinh của các trường ĐH”.
Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho rằng: “Hầu hết phổ điểm các môn thi đều lệch phải, nghĩa là số thí sinh có điểm trung bình trên 5 nhiều hơn số thí sinh có điểm trung bình dưới 5. Kết quả cao của thí sinh năm nay có thể là do đề thi nhẹ nhàng hơn, nhưng nguyên nhân sâu xa là chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được cải thiện. Đề thi có tính phân hóa tốt ở khu vực điểm cao để phục vụ xét tuyển đại học, đồng thời cũng kiểm tra được kiến thức tổng quát của thí sinh ở khu vực điểm thấp để phục vụ xét tốt nghiệp”.
Không chủ quan nhưng cũng đừng quá áp lực
Cô Trần Thị Kim Vân trao đổi: Một số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đã gần như cầm chắc trong tay một suất vào ĐH do tham gia xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. “Tuy nhiên, không vì vậy mà các em có tâm lý chủ quan, lơ là. Điều cần nhất vẫn phải tập trung ôn tập kiến thức căn bản, bám sát chuẩn kiến thức – kỹ năng và hoàn thành bài thi ở mức tốt nhất có thể”.
Theo phân tích của cô Vân, ở đợt 2 này, với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường tốp đầu, gặp áp lực tâm lý hơn. “Dù các trường THPT đã giải thích cho HS lớp 12 là mức độ khó đề thi của 2 đợt tương đương nhau, các trường ĐH vẫn dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho thí sinh dự thi đợt 2 nhưng các em vẫn có tâm lý lo lắng” – cô Vân chia sẻ.
Về vấn đề này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) phân tích: “Có nhiều thí sinh gọi điện đến đường dây nóng hỗ trợ tuyển sinh của nhà trường để hỏi liệu các em dự thi đợt 2 có bị hạn chế gì về quyền lợi không. Chúng tôi khẳng định là cơ hội trúng tuyển ĐH của thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và 2 hoàn toàn độc lập. Nói cách khác, các em dự thi đợt 2 sẽ cùng cạnh tranh với nhau chứ không phải là cạnh tranh với các thí sinh của đợt 1. Chính vì vậy, việc của các em lúc này là tập trung hệ thống lại kiến thức và không nên phân tâm bởi kết quả thi của đợt 1”.
Tương tự, PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) thông tin: “Điểm trúng tuyển của đợt 2 không nhất thiết phải bằng đợt 1 mà phụ thuộc vào phổ điểm của đợt 2 nên có thể là sẽ cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn. Thí sinh đợt 2 cạnh tranh với chính các em chứ không liên quan gì đến đợt 1”.