Thể hiện quyền và nghĩa vụ học tập
Theo đó, đã từ lâu, học tập được quy định là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Cụ thể, theo Điều 39 của Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Quyền được học tập gắn liền với nghĩa vụ này nhằm bảo đảm cho mọi công dân trong một đất nước có một vốn kiến thức, trình độ cùng sự hiểu biết gắn với những năng lực và phẩm chất cụ thể, để được làm người, phát triển toàn diện, có thể tự tin trong cuộc sống và tham gia lao động, cùng với đó là bảo đảm cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực bồi dưỡng nhân tài mà Nhà nước đã đặt ra, góp phần ổn định và phát triển đất nước.
Ngay từ khi con người mới xuất hiện, học tập đã gắn liền với đời sống nhằm truyền đạt những kỹ năng sống và kinh nghiệm sinh tồn đã được tích lũy từ các thế hệ. Dần về sau, khi đời sống con người và xã hội từng bước phát triển, các vấn đề cần truyền đạt cùng với nhu cầu học tập ngày càng được tăng cao. Cho đến khi Nhà nước xuất hiện, các chủ đề về học tập cho người dân cũng được xác định cụ thể hơn, nhằm bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển đất nước.
Khi đó, trong một xã hội, con người muốn tồn tại được, có sự hòa nhập, sống, lao động và phát triển luôn cần có một lượng tri thức nhất định. Những tri thức trong xã hội văn minh có Nhà nước thường được hình thành một cách chủ yếu và phổ biến nhất thông qua quá trình học tập tập trung ở các nhà trường.
Và Nhà nước sẽ luôn định lượng một lượng kiến thức cùng với các môn học cụ thể, phổ biến theo từng cấp học với các giai đoạn khác nhau, với các yêu cầu đặt ra cũng khác nhau theo từng thời điểm cụ thể trong tiến trình phát triển. Quá trình nhằm bảo đảm cho mọi công dân trong một nước thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình để có được những tri thức tối thiểu, cơ bản chung nhất để từ đó có thể tồn tại và hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng và tham gia lao động, có thể nuôi sống được bản thân được gọi là phổ cập giáo dục.
Như vậy, phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Trong đó, phổ cập giáo dục bắt buộc là phổ cập giáo dục mà Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện để mọi cá nhân phải học tập nhằm đạt được một trình độ học vấn theo quy định của pháp luật. Đối với mỗi quốc gia, tùy theo từng điều kiện về kinh tế - xã hội và sự phát triển khác nhau của từng giai đoạn lịch sử mà có những quy định về các bậc phổ cập giáo dục và phổ cập giáo dục bắt buộc khác nhau.
Đối với nước ta, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này quy định: “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc”(Khoản 1, Điều 13). Như thế, theo quy định này thì chỉ có cấp tiểu học là thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc. Có nghĩa rằng, sau khi học xong tiểu học ở độ tuổi 11, người Việt Nam có thể không cần phải học tiếp khi thực hiện quyền công dân của mình?
Phù hợp với đổi mới căn bản toàn diện
Tuy nhiên, giáo dục ở cấp tiểu học hiện nay chỉ nhằm giúp cho công dân hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và năng lực, nhằm chuẩn bị tiếp tục học lên THCS. Khi đó, giáo dục tiểu học mới chỉ bảo đảm cho công dân nắm vững các kỹ năng nói, đọc, viết, tính toán, có những hiểu biết cần thiết về thiên nhiên, xã hội và con người; có lòng nhân ái, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, yêu quý anh chị em; kính trọng thầy giáo, cô giáo, lễ phép với người lớn tuổi; giúp đỡ bạn bè, các em nhỏ; yêu lao động, có kỷ luật; có nếp sống văn hoá; có thói quen rèn luyện thân thể và giữ gìn vệ sinh; yêu quê hương đất nước, yêu hoà bình. Như thế, với một mục tiêu tối thiểu này, khi người Việt Nam học xong cấp giáo dục tiểu học sẽ chưa thể có được những năng lực và phẩm chất cần thiết để bước vào và hòa nhập với cuộc sống, đặc biệt là chưa thể tham gia lao động trong điều kiện và bối cảnh xã hội đã phát triển như hiện nay.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành trong đó đã cụ thể bậc học phổ thông bao gồm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp, theo đó đã xác định rõ chương trình giáo dục tiểu học là giúp cho học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Đây mới chỉ là những năng lực và phẩm chất cần thiết ở mức tối thiểu sơ đẳng nhất của con người. Còn chương trình giáo dục THCS giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Phù hợp với chủ trương phân luồng
Như thế, chỉ sau khi học xong cấp THCS thì công dân Việt Nam mới có đủ được những năng lực và phẩm chất cần thiết nhất để có thể hòa nhập được với cuộc sống và tham gia vào đời sống lao động. Do đó, Luật Giáo dục khi sửa đổi lần này nên quy định giáo dục phổ cập bắt buộc đối với công dân Việt Nam là đến hết giai đoạn THCS tương ứng với hết giai đoạn giáo dục cơ bản theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì mới có thể bảo đảm tốt cho công dân có được một nền tảng cơ bản, với những tri thức và kiến thức cần thiết để có thể bước vào cuộc sống và tham gia lao động.
Hiện nay, nền kinh tế của nước ta vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng thu nhập bình quân của người dân đã đạt được mức trung bình. Trên thực tế, chỉ có một số rất ít những vùng sâu, vùng xa và bà con dân tộc thiểu số là còn hạn chế với cơ hội học tập.
Với những điều kiện đó là hoàn toàn có thể bảo đảm được cho đất nước chúng ta có thể thực hiện chương trình phổ cập giáo dục bắt buộc đến hết giai đoạn THCS, tương ứng với công dân được học tập đầy đủ chương trình giáo dục cơ bản theo chương trình đổi mới, nhằm giúp cho mọi công dân tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, có ý thức và nhân cách, có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời cùng với khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích theo điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Cùng với đó, công dân sẽ có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới, từ đó biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó sẽ có được một cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.