Phim Nhà nước tìm cơ chế ra rạp

GD&TĐ - Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với một số cơ quan văn hóa tổ chức diễn ra vào ngày 30/6.

Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, Nhà nước hay tư nhân trong lĩnh vực điện ảnh đều “là một nhà”.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, Nhà nước hay tư nhân trong lĩnh vực điện ảnh đều “là một nhà”.

Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trong Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững”.

Tránh đầu tư manh mún, cắt khúc

Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với một số cơ quan văn hóa tổ chức diễn ra vào ngày 30/6. Đây là hoạt động thuộc Đề án khoa học cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, người thực hành văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam nhằm tạo một diễn đàn thảo luận và chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ thuật là lĩnh vực rộng, chịu tác động sâu sắc từ những thay đổi trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế.

phim nha nuoc tim co che ra rap (1).jpg
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 'Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững'. Ảnh: VICAS.

Việc xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình phát triển nghệ thuật luôn cần dựa trên nền tảng lý luận vững chắc và những hiểu biết thấu đáo về yêu cầu và xu thế của từng giai đoạn, cũng như bản chất và động năng của lĩnh vực nghệ thuật.

“Trong bối cảnh phát triển mới với định hướng trọng tâm là phát triển bền vững, những yêu cầu và đòi hỏi mới sẽ được đặt ra, đưa đến những thay đổi trong quan điểm, cách tiếp cận và phương thức vận hành, phát triển của nghệ thuật”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, thảo luận nhiều vấn đề. Đặc biệt, khi đề cập đến câu hỏi: Phải làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại? PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã nêu những bất cập trong cơ chế hợp tác công tư lĩnh vực điện ảnh.

Theo ông Tú, Nhà nước chỉ đầu tư cho sản xuất mà không cho phép đầu tư để phát hành, quảng bá phim. Nhà nước cũng chưa có cơ chế phối hợp giữa đầu tư công và các hình thức xã hội hóa khi huy động vốn sản xuất phim.

“Vì những cơ chế bất hợp lý nên phim do Nhà nước sản xuất rất khó tìm đường ra các rạp chiếu tư nhân. Nhà nước cần đầu tư toàn diện cho điện ảnh, tránh đầu tư manh mún và cắt khúc như hiện nay. Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư cho các đề tài mà tư nhân không muốn đầu tư, đó có thể là đề tài về lịch sử quảng bá danh nhân, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Cần xây dựng cơ chế hoạt động và quản lý thật sự khoa học và hiệu quả cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu quan điểm.

Có thể thấy, phim do Nhà nước sản xuất và phim Nhà nước đặt hàng khó ra rạp đã là một câu chuyện không mới. “Đào, phở và piano” là ví dụ điển hình. Dù được hỗ trợ tích cực để ra rạp, nhưng doanh thu bộ phim chỉ ở con số khoảng 21 tỷ đồng và hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu. Tuy nhiên, nếu tính theo giá thị trường, tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất, bộ phim này phải thu được 50 tỷ đồng mới gọi là hòa vốn.

Nhà nước hay tư nhân đều “là một nhà”

Trao đổi với Báo GD&TĐ về những bất cập khiến phim Nhà nước khó ra rạp, đạo diễn Lương Đình Dũng – người đang thực hiện dự án phim lịch sử “Anh hùng” về danh nhân Nguyễn Trãi cho rằng, có những đề tài mà Nhà nước cần chú trọng đầu tư chứ không phải quan tâm - đó là đề tài lịch sử, bởi phim lịch sử với nhiều quốc gia là gia tài vô giá, giúp tinh thần dân tộc mạnh mẽ hơn.

“Tư nhân cũng sẵn lòng và sẵn sàng cho những đề tài lịch sử, nhưng năng lực tài chính có hạn nên việc Nhà nước đầu tư vào đề tài lịch sử là trách nhiệm và nên coi là trọng tâm. Tôi làm phim “Anh hùng”, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Họ yêu đất nước, yêu lịch sử, nhưng Nhà nước cần song hành thì mới là sự đồng hành đúng nghĩa để tự hào về lịch sử của một quốc gia”, đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng tiết lộ, với phim lịch sử “Anh hùng”, bản thân ông ở vai trò đạo diễn. Nhưng ông lại quá bất ngờ khi có đến 12 nhà đầu tư muốn tham gia dự án. Tuy nhiên, nếu các cơ quan điện ảnh Nhà nước không đồng hành thì bản thân ông cũng cảm thấy chạnh lòng.

phim nha nuoc tim co che ra rap (3).jpg
Dù được hỗ trợ tích cực từ truyền thông và hiệu ứng mạng xã hội, phim 'Đào, phở và piano' do Nhà nước đặt hàng - ra rạp cũng chỉ hòa vốn.

Cần làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại? Theo quan điểm và góc nhìn riêng của đạo diễn Lương Đình Dũng, đầu tiên để phát triển ổn định, định hướng và chiến lược cũng như kiên định thì cần có một cơ quan chuyên trách phát triển điện ảnh quốc gia.

Cơ quan này giống như một “ủy ban phát triển điện ảnh”, để có tính thống nhất, tránh việc các nhà làm phim trong nước và quốc tế phải “thấp thỏm” trong cả chính sách và thực hiện.

“Cần có một tầm nhìn rõ ràng và hội nhập với xu thế điện ảnh trong và ngoài nước. Điện ảnh Việt phải thành ngành công nghiệp bởi nếu không đưa lên mức công nghiệp thì sự phát triển chất lượng là không thể đo đếm và đánh giá.

Khi có một cơ quan chuyên trách và những con người có tầm nhìn cùng chiến lược cụ thể, thì lúc đó việc kinh phí hay các vấn đề khác sẽ đúng mục đích hơn và có hiệu quả.

Còn hiện tại thì nên lập “Quỹ phát triển điện ảnh quốc gia” tạo nguồn vốn cho việc sản xuất phim. Sau đó nên có “Quỹ khuyến khích đào tạo nhân lực cho điện ảnh” để chờ có một cơ quan chuyên trách”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay.

“Chúng ta đừng nặng nề làm sao để phim Nhà nước ra rạp tư nhân, mà nên coi đó là vấn đề tổng thể. Đó là, phim Việt có cơ chế ra rạp như thế nào? Bởi Nhà nước hay tư nhân trong lĩnh vực điện ảnh đều “là một nhà”. Sự gắn kết có thể nói ràng buộc lẫn nhau này có tính sinh tồn. Có nên yêu cầu giờ vàng cho phim Việt không? Quy định thế nào để các nhà làm phim cứ thế mà làm, chứ lên tiếng hay kêu ca là điều chúng tôi rất e ngại. Tôi đề xuất là cần cơ chế hỗ trợ vốn - tạo điều kiện cho các nhà làm phim, thứ đến là ra rạp được hưởng lợi ích gì và quyền ra rạp thế nào? Đó là những điều mà các nhà làm phim cần nhất”. Đạo diễn Lương Đình Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.