Phim Việt vắng khách, đừng vội phân trần...

GD&TĐ - Theo số liệu của Box Office Vietnam, bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' thu về gần 15 tỉ đồng sau 5 ngày ra rạp.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Theo số liệu của Box Office Vietnam, bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” (Siêu mẫu Xuân Lan giữ vai trò sản xuất và đóng vai chính) thu về gần 15 tỉ đồng sau 5 ngày ra rạp.

Đây là con số làm “bừng thức” điện ảnh Việt, bởi sau thành công vượt trội dịp Tết Nguyên đán vừa qua của phim “Mai” (Đạo diễn và sản xuất: Trấn Thành), các phim Việt ra rạp luôn ở trong tình trạng ế ẩm, vắng khách, có phim doanh thu chỉ vài trăm triệu, có phim phải lùi lịch chiếu hoặc rút khỏi rạp giữa chừng.

Ra rạp trước “Cái giá của hạnh phúc” vài ngày, “Đóa hoa mong manh” của Mai Thu Huyền thực sự yếu ớt mong manh, suất chiếu tại các rạp vô cùng ít ỏi và chỉ thu được chưa đầy 350 triệu đồng sau một tuần.

Đây là con số không bất ngờ, bởi vài năm trước đó, phim “Kiều” do Mai Thu Huyền đạo diễn và sản xuất cũng bị gọi là “thảm họa”. Trong số những người không có ý định đến rạp xem phim này, biết đâu có lượng khán giả đã từng mua vé xem “Kiều”?

Trước sự thờ ơ của người xem và của nhà rạp, nhà sản xuất lại cho rằng phim được đầu tư quay tại Mỹ, giành nhiều giải thưởng quốc tế, và nó bị đối xử không công bằng, bị ép suất chiếu...

Có lẽ thay vì phân trần, đưa ra các lý do có tính “ngoại cảnh” thì các nhà sản xuất phim thương mại nên tìm hiểu lý do vì sao tác phẩm/sản phẩm của mình không thu hồi đủ vốn, không có lãi? Liệu phim đã làm tốt chưa, đã “gãi” đúng thị hiếu của người xem chưa?

Còn nếu mục đích làm phim để thỏa mãn cái tôi, hay gửi gắm những tâm huyết cá nhân, hay muốn theo đuổi dòng phim nghệ thuật để đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế thì không thể yêu cầu tác phẩm phải thu hồi được vốn hoặc có lãi. Bởi mỗi dòng phim có đặc trưng riêng, mỗi tác phẩm/sản phẩm gánh một trách nhiệm riêng.

Phim ra rạp là một loại hàng hóa. Dù có là hàng hóa đặc biệt thì cũng phải tuân theo quy luật thị trường, có cung có cầu, nhiều người quan tâm thì bán nhanh bán đắt, không ai quan tâm thì phải chịu cắt lỗ, bán tháo vốn. Và để tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, đó là một quá trình dài, hàng chục năm, mấy chục năm.

Tìm hiểu và đánh giá đúng thị trường, có lộ trình PR thích hợp, ra mắt sản phẩm đúng thời điểm, ra mắt sản phẩm với các gói khuyến mại nho nhỏ… Đó là cách bán hàng thông dụng hiện nay. Cách bán hàng đó bước đầu được áp dụng vào thị trường điện ảnh nước ta, điển hình như các phim của Trấn Thành, hay loạt phim “Lật mặt” của Lý Hải.

Nhìn sâu vào chính mình và thực sự chuyên nghiệp trong vận hành, quản lý, sản xuất một dự án – cách ứng xử đó có lẽ phù hợp hơn khi đối diện với một bộ phim vắng khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.